Bộ đề ôn thi học kì 1 Ngữ văn Lớp 10 (Sách Kết nối tri thức) - Năm học 2022-2023

docx 18 trang Hàn Vy 01/03/2023 8811
Bạn đang xem tài liệu "Bộ đề ôn thi học kì 1 Ngữ văn Lớp 10 (Sách Kết nối tri thức) - Năm học 2022-2023", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxbo_de_on_thi_hoc_ki_1_ngu_van_lop_10_sach_ket_noi_tri_thuc_n.docx

Nội dung text: Bộ đề ôn thi học kì 1 Ngữ văn Lớp 10 (Sách Kết nối tri thức) - Năm học 2022-2023

  1. VĂN NGHỊ LUẬN ĐỀ 1 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm) CHIẾU DỜI ĐÔ (Thiên đô chiếu) Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. (Lí Công Uẩn, trong Thơ văn lí-Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977) Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi: Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào? A. Cáo C. Hịch B. Chiếu D. Phú Câu 2: Chọn các đáp án đúng: Những lợi thế của thành Đại La là gì? A. Dân cư đông đúc, thuận tiện giao thương B. Đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi. C. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà lại thoáng. D. Ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Câu 3: Câu văn nào dưới đây trực tiếp bày tỏ nỗi lòng của Lí Công Uẩn ?
  2. A. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự ý chuyển dời? B. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. C. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi. D. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Câu 4: Ý nào nói đúng nhất mục đích của thể chiếu ? A. Ban bố mệnh lệnh của nhà vua. B. Giãi bày tình cảm của người viết. C. Kêu gọi, cổ vũ mọi người hăng hái chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. D. Miêu tả phong cảnh, kể sự việc. Câu 5: Câu nào diễn tả đúng nghĩa của từ “thắng địa” trong “Chiếu dời đô”? A. Là nơi cao ráo, thoáng mát B. Là nơi có phong cảnh và địa thế đẹp C. Là nơi có sông ngòi bao quanh D. Là nơi núi non hiểm trở Câu 6: Dòng nào nói đúng nhất ý nghĩa của câu “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”. A. Khẳng định sự cần thiết phải dời đổi kinh đô. B. Khẳng định lòng yêu nước của nhà vua. C. Phủ định sự cần thiết của việc dời đô. D. Phủ định sự đau xót của nhà vua trước việc phải dời đô. Câu 7: “Chiếu dời đô” thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và phản ánh khát vọng xây dựng đất nước độc lập, phồn thịnh của Lí Công Uẩn và nhân dân ta. A. Đúng B. Sai Câu 8: Nội dung bao quát của văn bản “Chiếu dời đô” ? Câu 9: Em có đồng tình với việc dời đô của Vua Lí Công Uẩn không? Vì sao? Câu 10: Qua văn bản “Chiếu dời đô”, em rút ra được những bài học gì cho bản thân? II. PHẦN VIẾT (4.0 điểm) Đọc văn bản:
  3. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan với nước non Chén rượu hương đưa say lại tỉnh Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn Xiên ngang mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây đá mấy hòn Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại Mảnh tình san sẻ tí con con. (Tự tình II- Hồ Xuân Hương, Theo Thơ Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, Hà Nội, 1987) Anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày ấn tượng của mình về bài thơ trên. Hết ĐỀ 2 I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc đoạn trích sau (1) Trong chuyến thăm này, trái tim tôi thực sự xúc động trước tấm lòng nhân hậu vốn nổi tiếng của người Việt Nam. Qua vô số những người đứng xếp hàng trên các con phố, tươi cười và vẫy tay chào, tôi cảm nhận được tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Tối qua, tôi đã đến thăm phố cổ Hà Nội và thưởng thức một vài món ăn đặc sắc của Việt Nam. Tôi đã ăn Bún Chả. Uống một chút bia Hà Nội. Nhưng tôi phải thú thực là đường phố thật đông đúc, cả đời tôi chưa bao giờ thấy có nhiều xe máy đến vậy. Vì vậy tôi chưa thử đi qua đường, nhưng có thể sau này khi có dịp tôi quay trở lại, các bạn có thể chỉ cho tôi cách qua đường. (2)Tôi không phải là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây. Nhưng tôi là Tổng thống đầu tiên, cũng giống nhiều bạn ở đây, đã trưởng thành sau cuộc chiến giữa hai nước chúng ta. Khi những lực lượng cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, tôi mới tròn 13 tuổi. Do vậy lần đầu tiên tôi trực tiếp biết đến Việt Nam và tiếp xúc với người Việt Nam là khi tôi lớn lên ở Hawaii, với cộng đồng người Mỹ gốc Việt đầy tự hào ở đó. (3)( )Chúng tôi đã thấy những tiến bộ của Việt Nam qua những tòa tháp cao chọc trời và những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, qua những trung tâm mua sắm và khu đô thị mới. Chúng tôi đã thấy những tiến bộ như vậy qua những vệ tinh mà Việt Nam đưa vào không gian và qua một thế hệ mới đang được
  4. kết nối trực tuyến, khởi nghiệp và điều hành những doanh nghiệp mới. Chúng tôi đã thấy những tiến bộ như vậy qua hàng chục triệu người Việt Nam kết nối trên Facebook và Instagram. Và các bạn không chỉ đăng những tấm ảnh selfies – mặc dù tôi được biết các bạn rất hay chụp như thế – cho đến giờ có rất nhiều bạn đã mời tôi cùng chụp selfies. Các bạn còn nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề mà các bạn quan tâm, như bảo vệ cây cổ thụ ở Hà Nội. (4) Chính sự năng động như vậy đã đem lại những bước tiến thực sự trong cuộc sống của người dân. Ở đây, ở Việt Nam, các bạn đã giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói cùng cực, nâng mức thu nhập của các hộ gia đình và giúp hàng triệu người vươn lên trở thành tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Đói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em đều giảm. Số người có nước sạch và điện, số trẻ em trai và trẻ em gái được đến trường, tỷ lệ biết đọc biết viết – tất cả đều tăng lên. Đó là sự tiến bộ vượt bậc. Đó là những thành tựu mà các bạn đã có thể đạt được trong một khoảng thời gian rất ngắn. (Trích Bài phát biểu của Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam, 2016, Lựa chọn đáp án đúng Câu 1: Hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích là A. miêu tả và biểu cảm B. biểu cảm và tự sự C. nghị luận và tự sự D. nghị luận và biểu cảm Câu 2: Trong bài phát biểu, khi đến thăm phố cổ Hà Nội, tổng thống Obama ấn tượng nhất điều gì? A.Những người đứng xếp hàng trên các con phố, tươi cười và vẫy tay chào. B. Cảm nhận được tình hữu nghị giữa hai dân tộc. C. Thưởng thức một vài món ăn đặc sắc của Việt Nam. D. Đường phố thật đông đúc, cả đời tôi chưa bao giờ thấy có nhiều xe máy đến vậy. Câu 3: Trong đoạn (3) có sử dụng phép liên kết hình thức nào? A. Phép lặp; phép thế B. Phép lặp; phép nối C. Phép thế; phép nối D. Phép liên tưởng; phép thế Câu 4: Trong các từ sau, từ nào không phải là từ Hán Việt ? A. nhân hậu B. tươi cười C. hữu nghị D. trưởng thành Câu 5: Xét về chức năng ngữ pháp, cụm từ «mặc dù tôi được biết các bạn rất hay chụp như thế” trong câu «Và các bạn không chỉ đăng những tấm ảnh selfies – mặc
  5. dù tôi được biết các bạn rất hay chụp như thế – cho đến giờ có rất nhiều bạn đã mời tôi cùng chụp selfies.” là thành phần A. chủ ngữ B. khởi ngữ C. phụ chú D. trạng ngữ Câu 6: Trong đoạn (3) có sử dụng phép tu từ cú pháp A. liệt kê ; đảo ngữ B. điệp cú pháp ; liệt kê C. điệp cú pháp D. liệt kê Câu 7: Trong đoạn (4), tổng thống Obama nhìn nhận sự tiến bộ của Việt Nam qua những phương diện nào? A. Đói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em đều giảm. B. Số người có nước sạch và điện, số trẻ em trai và trẻ em gái được đến trường, tỷ lệ biết đọc biết viết – tất cả đều tăng lên. C. Giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói cùng cực, nâng mức thu nhập của các hộ gia đình và giúp hàng triệu người vươn lên trở thành tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. D. Giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói cùng cực, nâng mức thu nhập của các hộ gia đình và giúp hàng triệu người vươn lên trở thành tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Đói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em đều giảm. Số người có nước sạch và điện, số trẻ em trai và trẻ em gái được đến trường, tỷ lệ biết đọc biết viết – tất cả đều tăng lên. Đó là sự tiến bộ vượt bậc. Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu Câu 8: Nêu hiệu quả của phép điệp cấu trúc được sử dụng trong đoạn (3). Câu 9: Tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho tổng thống Mỹ khi ông sang thăm Việt Nam nói lên điều gì? Câu 10: Thông điệp sâu sắc nhất anh/chị rút ra từ đoạn trích.(Viết đoạn văn trả lười khoảng 5-7 dòng). II. VIẾT (4,0 điểm) Anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng ( Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão. Phiên âm: Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu, Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
  6. Nam nhi vị liễu công danh trái, Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu. Dịch thơ: Múa giáo non sông trải mấy thu Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu. Công danh nam tử còn vương nợ, Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu ( Ngữ văn 10, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020) HẾT ĐỀ 3 I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm) Đọc văn bản: SỰ TRUNG THỰC CỦA TRÍ THỨC Theo nghĩa truyền thống, kẻ sĩ là một người có học. Có học nên biết lẽ phải trái để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái dũng của họ không phải cái dũng chém tướng đoạt thành mà là hệ quả của cái trí, nhằm làm sáng tỏ đạo thánh hiền. Đó là một công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Không phải lúc nào cũng có một Chu Văn An trước sự lộng hành của đám sủng thần, dám dâng thất trảm sớ và sau khi bị khước từ, kiên quyết từ quan về dạy học. Không phải lúc nào cũng có anh em thái sử Bá thời Xuân Thu. Thôi Trữ sau khi giết vua Tề, ra lệnh cho thái sử Bá phải ghi vào sử: “Tề Trang Công bị bạo bệnh mà chết”. Bá ghi: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ nổi giận, lôi Bá ra chém. Bá có ba người em. Hai người noi gương anh đều bị chém. Người em út vẫn điềm nhiên viết: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Trữ quát: “Ba anh ngươi đều đã bị chém, ngươi không sợ sao?” Người này nói: “Việc của quan thái sử là ghi lại sự thật, nếu xuyên tạc thà bị chết chém còn hơn”. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thích từ “kẻ sĩ” lắm. Có lẽ do màu sắc hơi “hoài cổ” của nó chăng? Đạo thánh hiền quả là cao quý và đáng trân trọng nhưng nó là một cái gì đã có. Kẻ sĩ thời nay chính là những trí thức do tính rộng mở của từ này. Nhất là vào thời đại nền kinh tế tri thức phát triển với sự bùng nổ của khoa học, đặc biệt ngành tin học. Người trí thức không những tôn trọng thánh hiền mà còn là
  7. kẻ dám mày mò vào cõi không biết, đấu tranh với những định kiến của hiện tại để phát hiện những sự thật cho tương lai. Một nước đang phát triển như nước ta cần nhanh chóng đào tạo một đội ngũ trí thức đông đảo để khỏi tụt hậu. Muốn vậy chúng ta phải lập cho được một môi trường lành mạnh trên nền tảng sự trung thực trí thức. Ít lâu nay báo chí nói nhiều đến nạn bằng giả. Đó là một hiện tượng xã hội nghiêm trọng, cần phải loại bỏ. Nhưng theo tôi, nó không nghiêm trọng bằng hội chứng “bằng thật, người giả” vì hội chứng này có nguy cơ gây sự lẫn lộn trong hệ giá trị và làm ô nhiễm môi trường đạo đức một xã hội trung thực, trong đó thật/ giả phải được phân định rạch ròi và minh bạch. Chúng ta thường nói nhiều đến tài năng và trí thức. Nhưng tài năng và trí thức chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực. (Trích từ Đối thoại với đời & thơ, Lê Đạt, NXB Trẻ, 2008, tr.14-15) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Hai câu đầu của văn bản sử dụng phép liên kết nào? A. Phép thế. B. Phép nối. C. Phép lặp . D. Phép liên tưởng. Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là A. nghị luận. B. tự sự. C. miêu tả. D. biểu cảm. Câu 3. Câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá được dẫn trong văn bản thuộc thao tác lập luận gì? A. Giải thích. B. Chứng minh. C. Bình luận. D. Bác bỏ. Câu 4. Hội chứng “bằng thật, người giả” được tác giả đề cập trong văn bản được hiểu là A. người dùng bằng giả nhưng tỏ ra như dùng bằng thật. B. người dùng bằng thật nhưng sống giả dối. C. người dùng bằng thật nhưng trình độ kém cỏi, không tương xứng với bằng cấp. D. người dùng bằng giả nhưng có trình độ cao, không tương xứng với bằng cấp. Câu 5. Mục đích của việc so sánh kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là gì? A. Làm nổi bật cái dũng khí của kẻ sĩ xưa khi bảo vệ đạo thánh hiền. B. Khẳng định trí thức xưa và nay đều phải đối mặt với nguy hiểm.
  8. C. Nhấn mạnh điểm mới của trí thức ngày nay so với kẻ sĩ ngày xưa. D. Khẳng định kẻ sĩ ngày xưa dám chết vì đấu tranh cho sự thật. Câu 6. Ý nào khái quát nội dung chính của văn bản? A. Bàn về phẩm cách trung thực của trí thức và xây dựng xã hội trung thực để tài năng, trí thức phát triển bền vững. B. Bàn về những kẻ sĩ dám đấu tranh để bảo vệ sự thật và sự cần thiết phải xây dựng một xã hội trung thực. C. Bàn về vai trò của đạo thánh hiền và sự cần thiết phải học tập những tấm gương dám chết bởi đạo thánh hiền. D. Bàn về sứ mệnh của trí thức ngày nay: phải biết đấu tranh với những định kiến của hiện tại để phát hiện những sự thật cho tương lai. Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu: Câu 7. Theo đoạn trích, hội chứng “bằng thật người giả” gây ra những tác hại nào? Câu 8. Vì sao tài năng chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực? Câu 9. Anh/ Chị nêu hai biểu hiện cụ thể về phẩm chất trung thực cần có của người trí thức. Câu 10. Anh/ Chị rút ra được thông điệp tích cực gì sau khi đọc văn bản? II. VIẾT (4.0 điểm) Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người qua đoạn thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” (Trích Đây thôn Vĩ Dạ- Hàn Mặc tử, SGK Ngữ văn 11-tập hai, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007) Hết SỬ THI ĐỀ 1 I. ĐỌC HIỂU(6,0 điểm) Đọc đoạn trích: “Đăm Săn: Tôi muốn đi bắt Nữ thần Mặt Trời. Như vậy mới thành tù trưởng hết sức giàu mạnh, có nhiều chiêng núm, chiêng bằng, trên đời không ai bì kịp. Người vùng
  9. núi phía tây cũng không hơn. Người vùng núi phía đông cũng không dám sánh. Lúc đó tôi đến đâu tre a lê phải cúi đầu. Tôi đến đâu tre mơ ô phải khô. Tôi đến đâu núi sẽ vỡ, suối tan. Tại sao tôi muốn đi? Tôi nghe nói trong tất cả thần linh ở núi từ tây sang đông, thì Nữ thần Mặt Trời là người đẹp nhất, bắp chân nàng tròn, váy nàng đẹp tuyệt vời. Đừng có mong đợi tôi. Tôi nghỉ mười ngày, tôi ngủ năm đêm, tôi tìm kiếm suốt một năm.” (Trích Sử thi Đăm Săn) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là A. Tự sự B. Miều tả C. Biểu cảm D. Tự sự, Miêu tả, Biểu cảm Câu 2. Đoạn trích trên thể hiện mong muốn gì của Đăm Săn? A. Đi bắt Nữ thần mặt trời B. Trở thành tù trưởng hết sức giàu mạnh C. Có nhiều chiêng núm, chiêng bằng D. Đi đến đâu núi sẽ vỡ, suối tan đến đó. Câu 3: Mục đích của Đăm Săn khi thực hiện mong muốn đó là gì? A. Đi bắt Nữ thần mặt trời B. Trở thành tù trưởng hết sức giàu mạnh, nhiều chiêng núm, chiêng bằng, không ai bì kịp. C. Có nhiều chiêng núm, chiêng bằng D. Đi đến đâu núi sẽ vỡ, suối tan đến đó. Câu 4: Nữ thần Mặt Trời được miêu tả với những vẻ đẹp nào? A. Là người đẹp nhất B. Bắp chân nàng tròn C. Váy nàng đẹp tuyệt vời D. Cả ý A, B, C Câu 5: Từ cách Đăm Săn bày tỏ mong muốn của mình, anh/chị có suy nghĩ như thế nào về khát vọng của con người thời cổ đại qua sử thi? A. Niềm tin vào thần linh bất tử B. Khát vọng lấy được người vợ xinh đẹp, giỏi nhất. C. Khát vọng khám phá, chinh phục thiên nhiên vũ trụ của người cổ đại D. Cả 3 đáp án A, B, C Câu 6: Đoạn văn sau đã sử dụng những kiểu câu theo mục đích nói nói? “Tại sao tôi muốn đi? Tôi nghe nói trong tất cả thần linh ở núi từ tây sang đông, thì Nữ thần
  10. Mặt Trời là người đẹp nhất, bắp chân nàng tròn, váy nàng đẹp tuyệt vời. Đừng có mong đợi tôi”. A. Câu nghi vấn, câu cầu khiến B. Câu cầu khiến, câu trần thuật C. Câu cầu khiến, câu trần thuật, câu kể D. Câu trần thuật, câu cầu khiến, câu nghi vấn Câu 7: Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong các câu văn: “Lúc đó tôi đến đâu tre a lê phải cúi đầu. Tôi đến đâu tre mơ ô phải khô. Tôi đến đâu núi sẽ vỡ, suối tan”? A. Thể hiện ý chí phi thường của một tù trưởng anh hùng. B. Khắc họa làm nổi bật tính cách ngang tàng C. Thể hiện uy lực phi phàm của người tù trưởng giàu mạnh Đăm Săn. D. Cả 3 đáp án A. B. C Câu 8: Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn sau: “Người vùng núi phía tây cũng không hơn. Người vùng núi phía đông cũng không dám sánh. Lúc đó tôi đến đâu tre a lê phải cúi đầu. Tôi đến đâu tre mơ ô phải khô. Tôi đến đâu núi sẽ vỡ, suối tan”. Câu 9: Em rút ra bài học gì từ hình tượng người anh hùng Đăm Săn qua đoạn trích? Câu 10: Cảm nhận của em về vẻ đẹp hình tượng Đam Săn qua đoạn trích trên? II. VIẾT: (4,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau: Quê hương là chùm khế ngọt Cho con trèo hái mỗi ngày Quê hương là đường đi học Con về rợp bướm vàng bay Quê hương là con diều biếc Tuổi thơ con thả trên đồng Quê hương là con đò nhỏ Êm đềm khua nước ven sông Quê hương là cầu tre nhỏ Mẹ về nón lá nghiêng che Là hương hoa đồng cỏ nội Bay trong giấc ngủ đêm hè ( Trích Quê hương-Đỗ Trung Quân, theo Thivien).
  11. Quê hương là nơi đẹp nhất đối với mỗi người. Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của quê hương trong đoạn thơ trên. HẾT ĐỀ 2 Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm) Đọc văn bản sau : Xinh Nhã trả thù nhà Mấy ngày sau, cây kơ-lơng mới đổ. Xing Nhã tiếp tục chặt cành. Một tháng, hai tháng, ba tháng. Xing Nhã mới làm xong chiếc khiên. Hàng trăm, hàng nghìn dân làng nhấc khiên không nổi. Xing Nhã bước tới, một tay nâng khiên, một tay giơ lên đầu, đội về buôn1. Về tới nhà, ở một ngày, nghỉ một tháng, Xing Nhã suy tính chuyện đi đòi xương cho cha, trả thù cho mẹ. [ ] Bang Ra và Xing Yuê – Ta hãy lấy bảy ché rượu ngon, bảy con trâu đực trắng, cũng cho Trời, cho Đất phù hộ con trai ta khoẻ mạnh. Ta hãy lấy con gà cúng thần Nước, ta lấy con lợn cúng Y Rít phù hộ con trai ta khôn lớn, đừng đi chết bỏ xương nơi đất khác. (Đoạn dưới đây miêu tả cuộc chiến đấu cuối cùng của Xing Nhã với anh em Gia – rơ Bú) [ ] Hai bên đánh nhau. Năm em trai của Gia-rơ Bú đã bỏ đầu tại gốc cây đa, bỏ thân tại núi lạ. Gia-rơ Bú bứt rứt, ngồi không yên, nằm không được, tay trái lấy chiếc khiên, tay phải nắm cán đao, Gia-rơ Bú đi vào rẫy của Hơ-bia Bơ-lao2. Xing Nhã – (Gặp Gia-rơ Bú) Ơ Gia-rơ Bú, ai chạy trước? Gia-rơ Bú - Hỡi con chim linh mọc chưa đủ lông cánh3, hãy múa thử đi! Xing Nhã quay khiên múa. Đất bụi bay mù mịt như mây trời tháng Bảy. Xing Nhã nhảy qua trái núi, lượn qua con suối, phăng qua đầu đèo, nhanh hơn bầy chim diều chim ó. Gia-rơ Bú nhìn theo, tối mày tối mặt, không đoán được đường đao của Xing Nhã chĩa về hướng nào. Gia-rơ Bú – Được, bây giờ ta không giất được mày thì ta sẽ tìm cách phá sạch làng mày! Té ra đứa nào cũng là đầu đen máu đỏ4 cả sao? Xing Nhã – (ngừng múa) Ơ Gia-rơ Bú! Ta đang đứng ở phái Mặt Trời mọc đây rồi. Bây giờ thì ngươi múa đi, ta đuổi theo. 1 Buôn: giống như làng (người Việt), bản (người Thái, H’Mông ) 2 Hơ-bia Bơ-lao: cô gái giữ rẫy cho Gia-rơ Bú và là người yêu của Pơrong Mưng. 3 Hỡi con chim linh mọc chưa đủ lông cánh: cách nói hàm chứa sự coi thường của Gia-rơ Bú dành cho Xing Nhã 4 Đầu đen máu đỏ: ý nói cúng đầu cứng cổ, gan góc, chẳng kiêng nể ai
  12. Gia-rơ Bú múa lúng túng, múa loanh quanh như con gà mắc tóc, như sao lạc đường. Dường đao chỉ đâm vào giữa trống không. Xing Nhã mới đi một bước, đã chém trúng ngay chân Gia-rơ Bú. Xing Nhã – Ơ Gia-rơ Bú, máu gì chảy ở chân đấy? Gia-rơ Bú – Máu con vắt ở núi Hơ-mũ cắn tao. Gia-rơ Bú múa tiếp, Xing Nhã chém luôn cánh tay phải, chiếc đao rơi “rỏn rẻn” Xing Nhã – Tại sao khiên của ngươi rơi mất rồi? Gia-rơ Bú – Không phải! Đó là tiếng kêu của chiếc lục lạc cho trẻ con chơi, tiếng vù của con diều đói gió đấy! Gia-rơ Bú cố sức múa nữa, nhưng lần này chưa kịp chở tay thì chiếc khiên đã bị Xing Nhã đánh vỡ tung, rơi xuống đất. Cuối cùng đôi bên chỉ còn Pơ – rong Mưng5 và Xing Nhã đánh nhau [ ] Trên trời, dưới đất, mây mưa mịt mù, gió bão ầm ầm, đổ cây lở núi. Hai bên đánh nhau từ khi trái khơ-la chín, đến mùa kê trổ, vẫn không phân thắng bại. Cả hai đều kiệt sức, ngã trước chòi của Hơ-bia Bơ-lao (Cuối cùng, nhờ sự giúp sức của Hơ-bia Bơ-lao, Xing Nhã giết chết Pơ-rong Mưng – người cuối cùng trong bảy anh em nhà Gia-rơ Bú, trả thù cho cha, cứu mẹ già thoát khỏi cuộc sống nô lệ) (Theo Bùi Văn Nguyên, Đỗ Bình Trị, Tư liệu tham khảo văn học Việt Nam, Tập I : Văn học dân gian, phần III, NXB Giáo dục, 1974. Tr.219-228) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại gì A. Cổ tích B. Sử thi C. Truyền thuyết D. Ngụ ngôn Câu 2. Nhân vật chính trong văn bản là ai? A. Xing Nhã B. Gia-rơ Kốt C. Gia-rơ Kốt D. Pơ-rong Mưng Câu 3. Trong câu truyện, Xing Nhã đi tìm ai để trả thù? A. Hơ – bia Guê B. Hơ-bia Bơ-lao C. Bơ-ra Tang D. Gia-rơ Bú Câu 4. Xing Nhã đi trả thù vì kẻ thù đã giết hại cả cha và mẹ chàng. 5 Pơ –rong Mưng: em trai thứ bảu của Gia-rơ Bú
  13. A. Đúng B. Sai Câu 5. Dòng nào miêu tả đúng và đầy đủ đặc điểm của chiếc khiên mà Xing Nhã sử dụng? (1) Khiên được làm bằng gỗ cây kơlong (2) Khiên được làm trong ba tháng (3) Hàng trăm người tập trung mới nhấc được khiên (4) Khi múa khiên. Đất trời nổi dông giá mù mịt (5) Vành khiên nạm bạc sáng chói A. (1) – (2) – (4) C. (2) – (3) – (4) B. (1) – (3 – (5) D. (2) – (4) – (5) Câu 6. Thủ pháp nghệ thuật nào được tác giả sử dụng trong câu văn sau: Xing Nhã quay khiên múa. Đất bụi bay mù mịt như mây trời tháng Bảy. Xing Nhã nhảy qua trái núi, lượn qua con suối, phăng qua đầu đèo, nhanh hơn bầy chim diều chim ó. A. Nhân hoá C. Ẩn dụ B. So sánh D. Cường điệu Câu 7. Dòng nào sau đây không thể hiện đúng ý nghĩa của chiến thắng mà Xing Nhã đã đạt được trong văn bản trên? A. Sức mạnh của chính nghĩa B. Kẻ ác phải bị trừng phạt C. Vẻ đẹp của người anh hùng lí tưởng trong mơ ước của cộng đồng. D. Chinh phục những vùng đất mới và thu phục những nô lệ mới. Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu: Câu 8. Qua nhân vật Xing Nhã, người Tây Nguyên thể hiện quan niệm như thế nào về người anh hùng? Câu 9. Có thể khẳng định Xing Nhã là người anh hùng có sức mạnh phi thường không? Vì sao? Câu 10. Từ văn bản và phần chú thích ở chân trang, em hiểu thêm điều gì về đặc điểm văn hoá độc đáo của đồng bào Tây Nguyên? II. LÀM VĂN ( 4 ĐIỂM ) Trình bày cảm nhận của anh/chị về quan niệm sống [1] Mai: dụng cụ đào đất, Nhàn và vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ xắn đất. sau: [2] Dầu ai: mặc cho ai. Dù ai Nhàn có cách vui thú nào cũng mặc, tôi cứ thơ thẩn (giữa (Nguyễn Bỉnh Khiêm) cuộc đời này). Một mai[1], một cuốc, một cần câu, [3] Cội cây: gốc cây Thơ thẩn dầu ai[2] vui thú nào.
  14. Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, [4] Hai câu 7 và 8 tác giả có Người khôn, người đến chốn lao xao. ý dẫn điển Thuần Vu Phần Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, uông rượu say nằm ngủ dưới Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. gốc cây hoè, rồi mơ thấy Rượu, đến cội cây[3], ta sẽ uống, mình ở nước Hoè An, được Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao[4]. công danh phú quý rất mực vinh hiển. Sau bừng mắt tỉnh (Theo Ngữ văn 10, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. dậy thì hoá ra đó là giấc 129) mộng, thấy dưới cành hoè phía nam chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó điển này có ý: phú quý chỉ là một giấc chiêm bao. ĐỀ 3 I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau: [ ] - Hỡi ngài Pô-li-phem to lớn, vừa rồi ngài tỏ ý muốn biết tên tuổi quang vinh của tôi, vậy tôi xin phép được xưng danh. Nhưng về phần ngài, dù sao ngài cũng nên ban cho tôi một tặng vật để tỏ lòng hiếu khách như ngài vừa mới nhắc chứ! Tôi chắc ngài sẽ không quên Tên tôi là: "Chẳng Có Ai". Cha mẹ tôi và anh em bạn hữu của tôi đều gọi tôi là thằng "Chẳng Có Ai". Ô-đi-xê nói xong, Pô-li-phem đáp lại bằng một giọng lạnh lùng, tàn nhẫn: - Này Này "Chẳng Có Ai" nghe đây. Ta sẽ ăn thịt nhà ngươi cuối cùng sau khi các bạn ngươi không còn đứa nào để thịt nữa. Đó là tặng phẩm của ta để tỏ lòng mến khách! Nói xong hắn lảo đảo chuyện choạng rồi nằm vật xuống đất, mặt tái đi, mắt đờ ra. Bỗng hắn ngóc đầu dậy, ợ ợ mấy tiếng rồi nôn thốc, nôn tháo rượu, thịt người vung vãi lênh láng khắp cả trên nền hang. Pô-li-phem đã say quá. Nôn được một cái nhẹ cả người, hắn lăn ra ngủ, ngủ như chết.
  15. Ô-đi-xê lập tức cùng anh em vùi chiếc cọc nhọn vào bếp lửa khi chiếc cọc nhọn đã bốc cháy đỏ rực, Ô-đi-xê lôi nó ra và chàng cùng với anh em khiêng nó đến bên gã khổng lồ Pô-li-phem không một hiệu lệnh nhưng mọi người đều hành động nhịp nhàng và ăn khớp với nhau. Chiếc cọc được đung đưa hai nhịp để lấy đà. Đến nhịp thứ ba nó lao thẳng vào con mắt độc nhất của gã khổng lồ. Ô-đi-xê cố dùng hết sức để xoáy chiếc cọc. Chiếc cọc nóng bỏng xoáy sâu vào con mắt độc nhất của Pô-li- phem. Máu vọt ra. Con ngươi và lông mi cháy gặp máu rít lên những tiếng xèo xèo như sắt nung trong lò rèn đem nhúng vào nước lạnh. Pô-li-phem thét lên một tiếng khủng khiếp. Tiếng thét như sấm đập vào vách vang rền rĩ, vang vọng ra khắp xung quanh nghe rùng mình sởn gáy. Lập tức cả năm người chạy giạt vào một góc hang. Pô-li-phem rút chiếc cọc nóng bỏng đẫm máu ra khỏi tròng mắt lẳng mạnh đi. Hắn loạng choạng đứng dậy, gào thét, gọi tên những gã Xi-clốp ở hang lân cận. Nghe tiếng gọi, các gã khổng lồ thuộc dòng giống Xi- clốp vội chạy đến đứng xa xa vây trước cửa hang, cất tiếng nói như sấm, hỏi: - Này hỡi, Pô-li-phem! Làm sao đêm hôm khuya khoắt mà anh lại thét chúng ta kinh khủng như thế? Anh đã đánh thức chúng tôi dậy vì chuyện gì thế? Phải chăng có kẻ nào dùng mưu lừa anh hoặc dùng sức mạnh đánh anh để cướp đàn súc vật béo mập của anh? Từ cuối hang, Pô-li-phem rên rỉ trả lời: Các bạn ơi! Kẻ nào cưỡng bức tôi, cướp đàn súc vật của tôi ư? Không! Không phải đâu! "Chẳng Có Ai" dùng mưu hại tôi chứ không dùng sức mạnh cưỡng bức tôi. [ ] (Trích Ô-đi-xê của Hô-me-rơ) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Kí hiệu [ ] ở đầu và cuối văn bản có ý nghĩa gì? (0,5 điểm) A. Đánh dấu cho thành phần chêm xen B. Đánh dấu cho thành phần cước chú C. Đánh dấu cho thành phần bị tỉnh lược D. Đánh dấu cho thành phần phụ chú Câu 2. Văn bản trên thuộc thể loại gì? (0,5 điểm)
  16. A. Thần thoại B. Sử thi C. Cổ tích D. Ngụ ngôn Câu 3. Nhân vật chính trong bản trên là ai? (0,5 điểm) A. Ô-đi-xê B. Pô-li-phem C. Xi-clốp D. “Chẳng Có Ai” Câu 4. Văn bản trên dùng lời kể chuyện ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm) A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ ba D. Cả A và B Câu 5. Sự kiện trung tâm của văn bản trên là gì? (0,5 điểm) A. Ô-đi-xê nói tên tuổi cho Pô-li-phem biết B. Ô-đi-xê đòi Pô-li-phem phải tỏ lòng hiếu khách đối với mình C. Ô-đi-xê cùng các bạn của mình tìm cách trốn khỏi hang D. Ô-đi-xê cùng các bạn của mình dùng cọc nhọn để đâm vào mắt Pô-li-phem Câu 6. Trong văn bản, nhân vật Ô-đi-xê được khắc họa với vẻ đẹp gì? (0,5 điểm) A. Vẻ đẹp sức mạnh B. Vẻ đẹp trí tuệ C. Vẻ đẹp ngoại hình D. Vẻ đẹp phẩm chất
  17. Câu 7. Việc Ô-đi-xê xưng mình tên là “Chẳng Có Ai” nhằm mục đích gì? (0,5 điểm) A. Đánh lừa Pô-li-phem B. Che giấu thân phận của mình C. Gây ra sự hiểu lầm cho đồng bọn của Pô-li-phem D. Đáp án A và C Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu: Câu 8. Chi tiết nào trong văn bản khiến bạn thích thú nhất? Vì sao? (0,5 điểm) Câu 9. Bạn hãy chỉ ra cảm hứng chủ đạo của văn bản trên? (1,0 điểm) Câu 10. Bạn hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) phân tích vẻ đẹp của nhân vật Ô-đi-xê được miêu tả trong văn bản? (1,0 điểm) II. LÀM VĂN (4,0 điểm) Anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận về về vẻ đẹp của đoạn thơ sau: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi, Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh, Trên con đường viền trắng mép đồi xanh, Người các ấp tưng bừng ra chợ tết.” ( Chợ tết- Đoàn Văn Cừ [*], trích Đoàn Văn Cừ toàn tâp, NXB, Hội nhà văn 2013) Chú thích [*]Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 11 năm 1913 ở Thôn Đô Đò xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Trước Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ dạy học, ông đã tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định năm 1936. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội
  18. đồng Nhân dân tỉnh Nam Định (1946). Năm 1948 ông tham gia Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III. Từ 1959, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Phổ Thông (Bộ Văn hóa). Năm 1974 công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh (hiện nay huyện Nam Trực thuộc tỉnh Nam Định). Từ 1971, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông gần như sống ẩn dật ở quê trong những năm cuối đời và mất tại đây ngày 27 tháng 6 năm 2004. Ông còn có các bút danh khác là Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc và ngoài thơ cũng sáng tác văn xuôi. Đoàn Văn Cừ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Chợ tết được đăng trên báo Ngày nay số xuân Kỷ Mão – 1939, mở đầu cho sự xuất hiện của một tên tuổi mới trong nền thi ca Việt Nam: Đoàn Văn Cừ. Hết