Đề cương ôn thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn

pdf 20 trang thaodu 4650
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfde_cuong_on_thi_tuyen_sinh_vao_lop_10_thpt_mon_ngu_van.pdf

Nội dung text: Đề cương ôn thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn

  1. ĐỀ BÀI Trong bài Phong cách Hồ Chí Minh sau khi nhắc lại việc chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, tác giả Lê Anh Trà viết: “Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại” (Trích ngữ văn 9, tập một NXB Giáo dục Việt Nam 2015) Câu 1: Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người? Câu 2: Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy. Câu 3: Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập phát triển. ĐÁP ÁN Câu 1: Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng văn hóa Quốc tế và gốc văn hóa dân tộc. – Qua đó tác giả Lê Anh Trà thể hiện tình cảm kính trọng, ca ngợi Bác Hồ, tự hào về Người như một đại diện của một con người ưu tú Việt Nam. Câu 2: Hai danh từ được sử dụng như tính từ: Việt Nam, Phương Tây. Cách dùng từ ấy có hiệu quả nghệ thuật cao Tác giả nhấn mạnh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bản sắc Phương Đông trong con người Bác. Câu 3: Trách nhiệm thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập: – Giải thích: thời kỳ hội nhập: các nền kinh tế thế giới mở cửa, hội nhập dẫn đến sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa các nước. – Trách nhiệm thế hệ trẻ: + Gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; + Nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, niềm tự hào về những truyền thống văn hóa tốt đẹp: truyền thống yêu nước; Uống nước nhớ nguồn; văn hóa lễ hội truyền thống; phong tục tập quán; di sản, di tích lịch sử, + Tiếp tục những ảnh hưởng tích cực từ văn hóa nước ngoài đồng thời gạn lọc những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa ngoại lai. – Đánh giá: đây là vấn đề quan trọng đòi hỏi ý thức và nhận thức của thế hệ trẻ cùng đồng lòng, chung tay góp sức.
  2. ĐỀ BÀI Ở bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), trong dòng hồi tưởng, người cháu nhớ lại: “Năm ấy là năm đói mòn mỏi” rồi trở về thực tại: “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở: – Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? ” (Trích ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015) Câu 1: Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Câu 2: “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước? Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì? Câu 3: Viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên trong đó có sử dụng phép nối để liên kết và một câu bị động (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu bị động) Câu 4: Hãy nêu tên một tác phẩm khác trong chương trình môn Ngữ Văn cấp trung học cơ sở cũng viết về tình cảm bà cháu và ghi rõ tên tác giả. ĐÁP ÁN Câu 1: Hoàn cảnh ra đời bài thơ Bếp lửa – Bài thơ được sáng tác năm 1963 khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn: miền Bắc đã được hòa bình, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến; miền Nam đang đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước. – Nhà thơ Bằng Việt đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Nhớ về quê hương, về người bà thân yêu, về những kỉ niệm tuổi thơ gian khổ mà ấm áp nghĩa tình, nhà thơ đã viết nên bài thơ này. Câu 2: Nạn đói 1945 -Câu thơ “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” nhắc nhớ đến kỉ niệm khi nhà thơ lên bốn tuổi, năm 1945, miền Bắc lâm vào nạn đói khủng khiếp khiến 2 triệu đồng bào chết đói. – Việc tách từ “mòn mỏi” tạo thành tổ hợp “đói mòn đói mỏi” có tác dụng nhấn mạnh sự dai dẳng, khủng khiếp của cơn đói cũng như nỗi cơ cực, nhọc nhằn của mỗi người dân trong nạn đói. Câu 3: – Về nội dung: Tình bà cháu sâu nặng vượt trên cả khoảng cách không gian (“cháu đã đi xa”, đến những phương trời mới, đất nước xa xôi), khoảng cách thời gian (người cháu đã khôn lớn, trưởng thành), vượt lên cả sự khác biệt về hoàn cảnh sống (cuộc sống đủ đầy về vật chất, tiện nghi). Nỗi nhớ về bà, về những kỉ niệm tuổi thơ luôn luôn thường trực trong tâm thức, trong trái tim người cháu. – Về hình thức: + Học sinh viết đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch, với dung lượng phù hợp với yêu cầu đề bài. Diễn đạt lưu loát, mạch lạc, logic. + Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và phép nối để liên kết câu (gạch chân) Câu 4: Bài thơ viết về tình bà cháu trong chương trình Ngữ văn THCS: Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh.
  3. ĐỀ BÀI Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài này thi phẩm Sang thu sâu lắng Câu 1: Bài thơ Sang thu được sáng tác theo thể thơ nào? Ghi tên hai tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết theo thể thơ đó. Câu 2: Trong khổ thơ đầu, tác giả đã đón nhận thu về với “hương ổi”, “gió se”, “sương chùng chình” bằng những giác quan nào? Cũng trong khổ thơ này, các từ “bỗng” và “hình như" giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ? Câu 3: Phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ nhân hóa trong câu thơ “Sương chùng chính qua ngõ”. Câu 4: Khép lại bài thơ, Hữu Thỉnh viết: “Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi.” (Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018) Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp- phân tích – tổng hợp, em hãy làm rõ những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng câu bị động và câu có thành phần cảm thán (gạch dưới một câu bị động và một thành phần cảm thán). ĐÁP ÁN Câu 1: - Thể thơ năm chữ. Hai tác phẩm viết theo thể 5 chữ: “Ánh trăng” và “Mùa xuân nho nhỏ”. Câu 2: – Giác quan: Khứu giác: hương ổi. Xúc giác: gió se. Thị giác: sương chùng chình. - Các từ “bỗng”, “hình như” thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng (bất ngờ, ngạc nhiên ), cảm xúc bâng khuâng (phân vân, băn khoăn ) của tác giả. Câu 3: Hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hóa: - Gợi hình ảnh sương cố ý chậm lại, chuyển động nhẹ nhàng - Gợi tâm trạng lưu luyến (vương vấn, bịn rịn ), sự tinh tế và tình yêu thiên nhiên của tác giả. Câu 4: – Nội dung: Biết bám sát ngữ liệu, khai thác hiệu quả các tín hiệu nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ ) làm sáng tỏ những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả: + Về thiên nhiên, đất trời. + Về đời người. - Hình thức: + Đảm bảo dung lượng, có trình tự mạch lạc, diễn đạt rõ ý; không mắc lỗi chính tả + Đúng đoạn văn tổng-phân-hợp. + Sử dụng đúng, gạch dưới 1 câu bị động, 1 thành phần cảm thán.
  4. ĐỀ BÀI Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: “Có người nói thành đạt là do gặp thời, có người lại cho là do hoàn cảnh bức bách, có người cho là do có điều kiện được học tập, có người lại cho là do có tài năng trời cho. Các ý kiến đó mỗi ý chỉ nói tới một nguyên nhân, mà lại đều là nguyên nhân khách quan, họ quên mất nguyên nhân chủ quan của con người. Thật vậy. Gặp thời tức là gặp may, có cơ hội, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì cơ hội cũng sẽ qua đi. Hoàn cảnh bức bách tức là hoàn cảnh khó khăn buộc phải khắc phục. Nhưng gặp hoàn cảnh ấy có người bi quan, thất vọng, chán nản, thối chí có người lại gồng mình vượt qua" (Nguyên Hương, Trò chuyện với bạn trẻ, Ngữ văn 9, tập hai, NXB GDVN, 2018) Câu 1: Xác định một phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn in nghiêng ở trên và chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết. Câu 2: Theo tác giả, khi gặp “hoàn cảnh khó khăn buộc phải khắc phục”, con người có những cách ứng xử nào? Câu 3: Từ nội dung đoạn trích trên, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình? ĐÁP ÁN Câu 1: - Phép liên kết: phép nối. - Từ liên kết: “nhưng” Câu 2: Khi gặp hoàn cảnh khó khăn buộc phải khắc phục, có những cách ứng xử: + Bi quan, thất vọng, chán nản, thối chí. + Gồng mình vượt qua. Câu 3: – Nội dung: + Hiểu được nội dung của ý kiến (vai trò, ý nghĩa của hoàn cảnh khó khăn đối với việc khám phá khả năng của bản thân mỗi người) và bày tỏ chính kiến của cá nhân (đồng ý/không đồng ý) + Bàn luận xác đáng, thuyết phục về nội dung ý kiến theo quan điểm của cá nhân. + Có những liên hệ và rút ra bài học cần thiết. - Hình thức: Đảm bảo dung lượng, có trình tự mạch lạc, lập luận chặt chẽ, diễn đạt rõ ý
  5. ĐỀ BÀI Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca về lao động và về thiên nhiên đất nước. Câu 1: Cho biết tên tác giả và năm sáng tác của bài thơ ấy. Câu 2: Xác định các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên ở những câu thơ sau: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng". Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ này có tác dụng gì? Câu 3: Ghi lại chính xác câu thơ trong một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà em đã được học ở chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở cũng có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng. Câu 4: Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ hình ảnh người lao động ở khổ thơ dưới đây, trong đó sử dụng phép lặp để liên kết và câu có thành phần phụ chủ (gạch dưới những từ ngữ dùng làm phép lặp và thành phần phụ chủ) "Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng." (Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2017) ĐÁP ÁN Câu 1: Tác giả: Huy Cận . Năm sáng tác: 1958. Câu 2: - Các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên: gió, trăng, mây, biển. - Tác dụng của phép nói quá và những hình ảnh thiên nhiên trong 2 câu thơ: + Nhấn mạnh tầm vóc và vị thế lớn lao, tâm hồn lãng mạn, sự hòa hợp với thiên nhiên + Thể hiện tình cảm của tác giả với người lao động, với thiên nhiên và cuộc sống mới. Câu 3: - Ghi chính xác câu thơ trong bài thơ “Răm tháng giêng” (Nguyên tiêu) của chủ tịch Hồ Chí Minh. “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền) Câu 4: a. Hình thức: - Đoạn văn đảm bảo dung lượng: 12 câu- Hình thức lập luận: diễn dịch (câu chủ đề nằm ở đầu đoạn văn). - Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, - Thực hiện đủ yêu cầu Tiếng Việt trong bài viết: phép lặp và câu có thành phần phụ chú. b. Nội dung: - Khái quát: Đoạn thơ là một khúc ca ca ngợi hình ảnh con người lao động với kết quả rực rỡ, ca ngợi vẻ đẹp tươi sáng của bình minh trên biển Hạ Long.
  6. - Chi tiết: + “Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng”: con người chạy đua với thời gian, chạy đua với thiên nhiên để làm việc và cống hiến. Hình ảnh đó làm nổi lên bức tượng đài sừng sững của người lao động giữa vùng biển Hạ Long. + “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”: Tiếng “ta” vang lên đầy kiêu hãnh, từ “xoăn tay” thể hiện tư thế chắc khỏe, cường tráng của người lao động; tư thế ấy đã khẳng định được vị thế của mình trước biển khơi; “chùm cá nặng” là thành quả lao động xứng đáng dành cho họ. + “Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông” đó là màu sắc của thân cá khiến cho không gian như bừng sáng; gợi sự liên tưởng tới sự giàu có của biển. + “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng” là câu thơ chứa hình ảnh đối lập: “lưới xếp” là kết thúc ngày lao động, “buồm lên” là đón chào ngày mới. + “Nắng hồng”: là ánh nắng bình minh của ngày mới, một ngày trong trẻo, tươi sáng; còn là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời mới, tương lai mới cho đất nước, cho con người.
  7. ĐỀ BÀI Sau đây là một phần của cuộc trò chuyện giữa nhân vật Phan Lang và Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ): “Phan nói: Nhà cửa của tiên nhân, cây cối thành rừng, phần mộ của tiên nhân, cỏ gai lấp mắt. Nương tử dầu không nghĩ đến, nhưng còn tiên nhân mong đợi ở nương tử thì sao? Nghe đến đây, Vũ Nương ứa nước mắt khóc rồi nói: - Có lẽ không thể gửi mình ẩn vết ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Và chăng Ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.” (Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017) Câu 1: Phan Lang trò chuyện với Vũ Nương trong hoàn cảnh nào ? Từ “tiên nhân" được nhắc tới trong lời của Phan Lang để chỉ những ai? Câu 2: Vì sao sau khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương "ứa nước mắt khóc” và quả quyết "tôi tất phải tìm về có ngày"? Câu 3: Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi chúng ta. ĐÁP ÁN Câu 1: - Hoàn cảnh: sau buổi tiệc ở thủy cung. - Từ “tiên nhân” trong đoạn văn chỉ : người đời trước (cha ông, tổ tiên), Trương Sinh. Câu 2: Giải thích được lí do: - Lời của Phan Lang chạm đến những nỗi niềm sâu kín của Vũ Nương. - Vũ Nương còn nặng lòng với trần gian, khát khao phục hồi danh dự. - Nội dung: + Hiểu ý niệm về gia đình. + Bàn luận xác đáng về vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi người (là chiếc nôi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách; là điểm tựa, bến đỗ bình yên, nơi chắp cánh ước mơ ) + Có những liên hệ cần thiết và rút ra bài học. - Hình thức: đảm bảo dung lượng, đúng kiểu văn nghị luận, có sự kết hợp các phương thức biểu đạt, có trình tự mạch lạc, diễn đạt rõ ý.
  8. ĐỀ BÀI Mở đầu bài thơ Nói với con, nhà thơ Y Phương viết: Chân phải bước tới cha Chân trái bước tới mẹ Một bước chạm tiếng nói Hai bước tới tiếng cười (Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) Câu 1: Ghi lại chính xác 7 dòng tiếp theo những dòng thơ trên. Câu 2: Cách miêu tả bước chân con “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” có gì đặc biệt? Qua đó, tác giả đã thể hiện được điều gì? Câu 3: Hãy trình bày suy nghĩ của em (khoảng 12 câu) về quan niệm: Được sống trong tình yêu thương là hạnh phúc của mỗi con người. ĐÁP ÁN Câu 1: “Người đồng mình yêu lắm con ơi Đan lờ cài nan hoa Vách nhà ken câu hát Rừng cho hoa Con đường cho những tấm lòng Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.” Câu 2: Cách miêu tả gợi cho ta hình ảnh một gia đình tràn đầy hạnh phúc với những “tiếng nói”, “tiếng cười”; cả ngôi nhà như rung lên trong “tiếng nói”, “tiếng cười” của cha, của mẹ. Mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận, chăm chút, mừng vui. Trong tình yêu thương, trong sự nâng niu của cha mẹ. Câu 3 * Hình thức: Học sinh có thể trình bày nội dung trả lời bằng một (hoặc một số) đoạn văn ngắn * Nội dung: Học sinh có thể triển khai đoạn văn theo các hướng khác, cần đảm bảo một số nội dung chính: - Giải thích ý kiến: Tình yêu thương là một trong những tình cảm đẹp đẽ, ấm áp thể hiện qua sự quan tâm, tình yêu mến, qua từng lời nói, cử chỉ, việc làm cụ thể với những người mà ta yêu quý. Được sống trong tình yêu thương của mọi người chính là một niềm hạnh phúc của mỗi người. - Bình luận, chứng minh: + Khẳng định ý kiến trên là chính xác: Với tình yêu thương, con người tìm được mục đích sống, động lực mạnh mẽ, niềm an ủi, nguồn động viên khi gặp khó khăn thử thách, được sẻ chia niềm vui trong công việc và cuộc sống Không có tình yêu thương, mỗi con người sống trong sự cô đơn, lạnh lùng, vô cảm. Cuộc sống sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo, dễ gục ngã trước những khó khăn, cám dỗ trong cuộc đời + Bàn luận mở rộng: Tình yêu thương chân thành phải được thể hiện qua những hành động, lời nói cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Tình yêu thương cần phải được thể hiện đúng cách, đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng để mỗi con người không trở nên dựa dẫm, ỷ lại. - Bài học rút ra cho bản thân.
  9. ĐỀ BÀI Cho đoạn trích: Ông nằm vật lên giường vắt tay lên trán nghĩ ngợi vẩn vơ. Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm với anh em. Ô, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra. Cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày. Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc là còn khướt lắm. Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá. (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ truyện ngắn nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn này. Câu 2: Dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật ông lão được thể hiện qua việc nhắc lại các từ, cụm từ nào trong đoạn trích? Trong dòng cảm xúc, suy nghĩ ấy có những kỉ niệm nào của ông với làng kháng chiến? Câu 3: Xét về mục đích nói, câu văn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa” thuộc kiểu câu gì? Vì sao nỗi trăn trở của ông lão trong câu văn đó lại là một biểu hiện của tình cảm công dân? Câu 4: Với hiểu biết của em về truyện ngắn trên, hãy viết một đoạn văn quy nạp khoảng 12 câu, có sử dụng câu ghép và câu thế (gạch dưới câu ghép và từ ngữ được dùng làm phép thế) để khẳng định: Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những người nông dân trong kháng chiến. ĐÁP ÁN Câu 1: - Đoạn văn trên được trích từ truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân. - Hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn: Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Câu 2: - Dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật được thể hiện qua việc lặp lại các từ : “nghĩ”, “muốn”, “nhớ”. - Những kỷ niệm trong dòng cảm xúc của nhân vật: + Kỷ niệm gắn với những con người ở làng: Những anh em cùng nhau làm việc, cùng đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá phục vụ kháng chiến. + Kỷ niệm về những hoạt động, về niềm vui say trong thời kì kháng chiến. + Kỷ niệm gắn liền những địa danh cụ thể ở làng kháng chiến: Cái chòi gác đang dựng, những đường hầm bí mật. Câu 3: - Xét về mục đích nói, câu văn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa?” thuộc kiểu câu nghi vấn. Nỗi trăn trở của ông lão trong câu văn "Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa?" lại là một biểu hiện của tình cảm công dân bởi nó không chỉ gắn với tình cảm về làng, mà đã hoà nhập với tình yêu cách mạng, yêu kháng chiến. Nhớ về ngôi làng không chỉ nhớ về những hình ảnh quen thuộc, bình yên từ ngàn đời, mà còn nhớ về hình ảnh cái chòi gác biểu tượng cho một làng kháng chiến, biểu tượng cho ý chí, cho quyết tâm đánh giặc của dân làng. Câu 4: * Yêu cầu về hình thức: - Viết đúng hình thức đoạn văn quy nạp: Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn văn. - Đoạn văn có sử dụng câu ghép và phép thế. - Không mắc các lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu. Diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc.
  10. * Yêu cầu về nội dung: - Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nội dung chính: Khắc họa thành công hình tượng những người nông dân trong kháng chiến. - Hình tượng người nông dân được thể hiện tập trung qua nhân vật ông Hai với những phẩm chất tiêu biểu: + Người nông dân chất phác, nồng hậu, chân chất được thể hiện qua tình yêu làng tha thiết. + Đó cũng là những con người ý thức rõ về vai trò, trách nhiệm công dân của mình với đất nước, với kháng chiến. Tình yêu làng thống nhất với tình yêu nước. + Nghệ thuật miêu tả nhân vật của nhà văn đạt đến độ điển hình: Từ miêu tả ngôn ngữ, hành động đến tâm lí đều rất tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân trong những ngày đầu kháng chiến.
  11. ĐỀ BÀI Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới (1) Đã lâu lắm rồi tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U23 Việt Nam thi đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sang bước vào trận đấu. (2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Xem xong trận bóng đá, con tôi lại hỏi “Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca”. (Theo Lê Văn Thu, Quốc ca Việt Nam, báo Thanh Niên số ngày 8-6-2015) a. Xác định một phép liên kết trong đoạn (2). b. Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam? c. Cho biết ý nghĩa của việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên. d. Em có nhận xét gì về thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay? ĐÁP ÁN a. Xác định một phép liên kết có trong đoạn (2): Phép lặp (tôi, hát, quốc ca); phép thế (đó: thế cho một cảm xúc mãnh liệt) b. Những cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam: niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước hoặc cảm xúc mãnh liệt, một cảm giác thật khó tả, một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng. c. Ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên: Các thế hệ đều có chung nhận thức về tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc (hoặc cả gia đình đều thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc) ; sự việc trên còn có tác dụng lan tỏa, khơi dậy, nhắc nhở mọi người về tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc d. Nhận xét về thực trạng hát quốc ca trong nhà trường hiện nay: Với những góc nhìn khác nhau, học sinh có thể đưa ra các ý nhận xét khác nhau. Chẳng hạn: học sinh nghiêm túc khi hát; khi hát thể hiện rõ tình yêu tổ quốc và tự hào dân tộc; học sinh có sự chuyển biến từ chưa nghiêm túc đến ý thức cao khi hát quốc ca; một số học sinh chưa ý thức khi hát, chưa nghiêm túc khi hát (chưa thuộc lời, không hát, đùa giỡn )
  12. ĐỀ BÀI Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình; Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến; Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình. Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên. ĐÁP ÁN a. yêu cầu về kĩ năng: - Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội. - Bố cục đầy đủ, rõ ràng. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp, các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận (giải thích, chứng minh, bình luận ) để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng, dẫn chứng cần lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân - Diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, lập luận chặt chẽ. Không mắc lỗi diễn đạt, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, trình bày bài rõ ràng. b. yêu cầu về kiến thức: - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình. - Giải thích: Sự việc được đề cập trong đề bài (mải mê dán hình thần tượng khắp nơi, đắm chìm trong những sở thích riêng, không quan tâm đến những người thân trong gia đình) cho thấy các bạn trẻ sống vị kỉ, lao vào thế giới ảo, bỏ quên những mối quan hệ ruột thịt, gần gũi Đó chính là biểu hiện cụ thể của lối sống vô cảm với chính gia đình mình. Sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình là sự thờ ơ không quan tâm, không biết chia sẻ với những người thân yêu, gần gũi. - Bàn luận: học sinh đưa ra các ý bàn luận về nguyên nhân, tác hại và bày tỏ thái độ về vấn đề. Chẳng hạn: Nguyên nhân: bị tác động bởi lối sống thực dụng, được nuông chiều, thiếu sự giáo dục của gia đình, thiếu ý thức và trách nhiệm . Tác hại của lối sống vô cảm: với cá nhân, gia đình và cộng đồng (ảnh hưởng đến nhân cách, vai trò, ý nghĩa của gia đình trong đời sống của mỗi cá nhân sẽ bị giảm sút, tạo ra những công dân vô trách nhiệm, vô cảm ); bày tỏ thái độ không đồng tình, phê phán lối sống vô cảm. - Khái quát vấn đề đã bàn luận. Rút ra bài học nhận thức và hành động: rèn luyện lối sống có trách nhiệm, sống yêu thương
  13. ĐỀ BÀI Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám may mùa hạ Vắt nửa mình sang thu. (Trích Sang thu, Hữu Thỉnh) Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ khác về đề tài thiên nhiên mã em biết để thấy được điểm gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này. ĐÁP ÁN a. Yêu cầu về kĩ năng: - Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học: - Bố cục đầy đủ, rõ ràng. - Văn trôi chảy, có cảm xúc, không sai lỗi chính tả . b. yêu cầu về kiến thức: * giới thiệu được về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận (bức tranh thiên nhiên – bức tranh giao mùa từ hạ sang thu, từ đó liên hệ với một khổ thơ khác về đề tài thiên nhiên để thấy được những điểm gặp gỡ của các bài thơ) * Cảm nhận bức tranh thiên nhiên – bức tranh giao mùa từ hạ sang thu. - bức tranh giao mùa từ hạ sang thu được diễn tả tinh tế với những tín hiệu lúc giao mùa: ngọn gió se mang theo hương ổi; sương đầu thu giăng mắc nhẹ nhàng, dòng sông trôi thanh thản; những cánh chim vội vã, những đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu; tâm trạng nhà thơ: ngỡ ngàng, bâng khuâng - bức tranh giao mùa từ hạ sang thu được thể hiện qua hình thức nghệ thuật độc đáo (từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi: chùng chình, dềnh dàng ; phép nhân hóa (sương chùng chình qua ngõ ) * Học sinh liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ (trong hoặc ngoài sgk) về đề tài thiên nhiên để thấy điểm gặp gỡ của các nhà thơ viết về đề tài này (khuyến khích học sinh chọn thơ viết về mùa thu) - Trình bày sơ lược nội dung của khổ thơ/ đoạn thơ được chọn. - Chỉ ra được những điểm gặp gỡ (điểm chung) giữa các nhà thơ: đều có cảm hứng mãnh liệt trước thiên nhiên, đều có tình yêu, sự gắn bó với thiên nhiên; có những cảm nhận tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cách thể hiện độc đáo, thiên nhiên trong thơ đều có những nét quen mà lạ
  14. ĐỀ BÀI Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ? Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn. Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức (Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012) a. Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành phần ấy. b. Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời, cũng giống vẽ một bức tranh vậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy. c. Nêu nội dung văn bản trên. d. Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ? Trả lời trong khoảng 3 - 5 dòng. ĐÁP ÁN a. Thành phần phụ chú: “lứa tuổi bất ổn định nhất.” Tác dụng: bổ sung ý nghĩa cho cụm từ “lứa tuổi học trò” b. Biện pháp tu từ được sử dụng : so sánh “sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”. Tác dụng: giúp cho cách diễn đạt thêm sinh động, gợi cảm, khơi mở cho người đọc những suy nghĩ, liên tưởng về việc sống một cuộc đời (Học sinh có thể xác định các biện pháp khác như: điệp từ “một”, tác dụng: nhấn mạnh vào tính chất duy nhất của đối tượng được đề cập; điệp cấu trúc sống một cuộc đời – vẽ một bức tranh, tác dụng: tạo nhịp điệu cân xứng, hài hòa cho câu văn, khiến câu văn trở nên ấn tượng, dễ nhớ ) c. Nội dung văn bản: ước mơ của con người không bao giờ mất đi, thế nên hãy theo đuổi ước mơ, hãy chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện ước mơ, hãy đánh thức những ước mơ sâu kín. (Học sinh có thể tiếp nhận văn bản theo nhiều góc nhìn khác nhau; chấp nhận các ý hợp lí khác ngoài hướng dẫn chấm) d. Thể hiện được suy nghĩ chân thành, sâu sắc về vấn đề. Học sinh có thể đồng ý hoặc không đồng ý với vấn đề đặt ra miễn sao lí lẽ phải thuyết phục. (Cần thấy được chỉ nên theo đuổi những ước mơ chân chính, tốt đẹp. Khi theo đuổi ước mơ, nên cân nhắc hoàn cảnh, điều kiện thực tế )
  15. ĐỀ BÀI Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nêu yêu thương? Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên. ĐÁP ÁN a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ 3 phần: mở, thân, kết . b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai các luận điểm Học sinh có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Có thể đồng ý, không đồng ý hoặc đồng ý một phần về vấn đề. Sau đây là 1 hướng giải quyết đề bài. - Giải thích: + Những điều ngọt ngào: những hành động, cử chỉ, lời nói, tốt đẹp mang đến niềm vui, sự ấm áp ; yêu thương: tình cảm tốt đẹp giữa người với người. → Người ta thường nghĩ biểu hiện của yêu thương luôn là những điều ngọt ngào nhưng thật ra có nhiều điều, nhiều cách để tạo nên tình yêu thương. - Bàn luận: + Những điều ngọt ngào (sự trìu mến, ân cần, những lời lẽ dịu dàng, tình cảm) được xem là cách thể hiện yêu thương bởi nó kiến ta cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, nâng đỡ trân trọng + Không phải lúc nào cũng chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương. Nhiều khi những cay đắng, phũ phàng (những lời la mắng của cha mẹ, những trách cứ của thầy cô, sự từ chối giúp đỡ của bạn bè ) lại xuất phát từ tình cảm thật sự dành cho ta, từ mong muốn ta hoàn thiện từng ngày + Có những ngọt ngào không xuất phát từ yêu thương và có những cay đắng không làm nên yêu thương. + Phê phán những con người chỉ biết đón nhận yêu thương thông qua những ngọt ngào nên đã bỏ lỡ rất nhiều yêu thương thật sự, cũng như đã nhận lầm không ít yêu thương giả dối - Bài học nhận thức và hành động: cần nhận thức đúng đắn về yêu thương: không phải chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương ; có ý thức và hành động cụ thể đem đến yêu thương cho mọi người và cho chính mình. Lưu ý: HS cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.
  16. ĐỀ BÀI Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết về nhân vật anh thanh niên như sau: Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều: - Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắm liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả "thèm" hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào "ốp" là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: "Đấy, bác cũng chẳng "thèm" người là gì?". Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói: - Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ. Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam. ĐÁP ÁN a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. - Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích. - Cảm nhận về nhân vậy anh thanh niên trong đoạn trích: + Là người yêu nghề, ý thức rõ về ý nghĩa của công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn sẵn sàng cống hiến cho cuộc đời; + Là người cởi mở, chân thành, gắn bó với mọi người. + Là người yêu sách, có tinh thần tự học. - Đánh giá về nghệ thuật đoạn trích: ngôn ngữ tự nhiên, sinh động, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận . - Học sinh có thể tự chọn một nhân vật văn học hoặc nhân vật đời sống để liên hệ. Nhân vật được chọn phải thuộc thế hệ trẻ với những phẩm chất ưu tú, nhiệt tình cống hiến, dựng xây, bảo vệ quê hương. Từ sự liên hệ đó, khẳng định vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam: nhiệt huyết, tin yêu, cống hiến, dấn thân .
  17. ĐỀ BÀI Đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: Văn bản 1: Trong bức ảnh chụp cùng thần tượng Michael Phelps cách đây 8 năm, Joseph Schooling mới chỉ là cậu bé con đeo kính cận dày cộp, cao ngang vai Phelps. Nhưng 8 năm sau, khi có cơ hội tranh tài với thần tượng của mình ở nội dung 100m bơi bướm tại Thế vận hội mùa hè 2016, cậu bé năm nào không chỉ tự tin thể hiện tài năng mà còn buộc thần tượng chấp nhận chịu thua, nhường lại chiếc Huy chương Vàng tuyệt đẹp cho mình. Chiến thắng của Schooling không chỉ là phần thưởng ngọt ngào cho những năm tháng miệt mài ngụp lặn trong bể bơi, mà nó còn thắp lên trong trái tim trẻ niềm tin: Khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay. (Dựa theo Hình ảnh Joseph Schooling và thần tượng Michael Phelps lan truyền chóng mặt, Lê Ái, Báo Thanh niên ngày 13/08/2016) Văn bản 2: Diễn viên điện ảnh Jack Nicholson từng thần tượng Marlon Brando điên đảo đến mức nói một câu trứ danh: "Chừng nào ông ấy còn sống thì chẳng anh diễn viên nào ngóc đầu lên nổi". Tất nhiên đây chỉ là một cách nói thậm xưng. Jack Nicholson học phương pháp diễn xuất thần sầu của Marlon và ông thậm chí còn vượt qua thần tượng của mình khi giành tới 3 giải Oscar so với 2 giải của Marlon. (Trích Từ Phelps đến Schooling, từ Marlon Brando đến Leonardo Di Caprio. Lê Hồng Lâm - Thịnh Joey, Báo Tuổi trẻ ngày 16/8/2016) a) Dựa vào văn bản trên, hãy cho biết những thành tích nào của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng. b) Chỉ ra một phép liên kết câu có trong đoạn đầu của văn bản 1. c) Xác định thông điệp chung của hai văn bản trên. d) Em có nhận xét gì về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng. ĐÁP ÁN a. Những thành tích của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng của mình: + Tại thế vận hội Mùa hè 2016 ở nội dung 100m bơi bướm, Joseph Schooling đã vượt qua thần tượng Michael Phelps để đoạt lấy Huy chương vàng cho mình. + Jack Nicholson đã giành được 3 giải Oscar so với thần tượng của mình là Marlon Brando chỉ mới đạt được 2 giải Oscar. b. Trong văn bản 1, từ nhưng ở câu số 2 là từ thể hiện phép liên kết câu: Phép nối. c. Thông điệp chung của 2 văn bản trên: khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay. d. Mỗi học sinh có những nhận xét khác nhau về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng của mình. Đây chỉ là một gợi ý: Thần tượng của bạn trẻ ngày hôm nay khá đa dạng. Có thể đó là những người nổi tiếng trong các lãnh vực thể thao, ca nhạc, các bạn trẻ đã không nề hà công sức đi theo các thần tượng của mình trong các trận thi đấu hoặc các show diễn. Họ tặng hoa, họ ôm hôn, gào thiết để thể hiện sự hâm mộ của mình. Ít người có được tinh thần như Schooling đối với Michael Phelps hoặc Jack Nicholson đối với Marlon Brando lấy thần tượng của mình làm nguồn cảm hứng, tấm gương soi để nỗ lực phấn đấu. Đa số bạn trẻ ngày nay đã tôn thờ thần tượng một cách quá lố và thiếu tỉnh táo.
  18. ĐỀ BÀI Tuổi trẻ có cần sống khác biệt? Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên. ĐÁP ÁN Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của câu hỏi: trình bày suy nghĩ của mình được gợi lên từ vấn đề đã nêu trên trong phạm vi khoảng một trang giấy thi. Thí sinh có thể triển khai suy nghĩ của mình theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo: Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Yêu cầu cụ thể: a. Giới thiệu vấn đề: Để hình thành một lối sống hoàn hảo và đúng đắn là một vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp. "Phải tôn trọng sự khác biệt", đó là lời khuyên của các nhà tâm lý và giáo dục. Câu hỏi :"Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?" Đó là một câu hỏi đơn giản nhưng rất khó trả lời. Sau đây là những ý kiến của em về câu hỏi trên. b. Sự khác biệt là bản chất của đời sống đa dạng, phong phú và muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng và khác biệt, xã hội con người có rất nhiều điểm chung tốt đẹp cũng như xấu xa. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục cần phải được duy trì và tôn trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cần đấu tranh chống lại sự a dua đầy tội lỗi của đám đông. c."Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục". Biết hòa đồng với hoàn cảnh xã hội hiện tại là một kỹ năng cần thiết. "Đồng phục trong cách sống, trong cách suy nghĩ, trong cách ăn mặc" là một nét đẹp thể hiện sự hòa đồng của con người với tập thể. Khi sống hòa đồng với mọi người, tuổi trẻ chắc chắn có được niềm vui, sự đoàn kết, sự chia sẻ và bình yên trong sinh hoạt cũng như làm việc. Sống khác biệt chắc chắn không phải là mục đích sống của người trẻ tuổi bởi vì phần lớn họ là những người có khao khát tạo dựng cho mình một sự nghiệp, một cuộc sống vững vàng và hạnh phúc. Sống khác biệt dễ trở nên lập dị, dễ xung đột với tập thể, do đó người khác biệt dễ vấp phải sự chống đối của đa số, dễ trở thành kẻ cô đơn lạc lõng. Chỉ có sống hòa đồng, quân bình hài hòa với mọi người, người trẻ tuổi mới có được hạnh phúc và thành công. Do đó tuổi trẻ không cần phải sống khác biệt, nhất là trong hoàn cảnh bình thường. d. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần dám sống khác biệt với số đông bởi vì số đông và tư duy số đông không phải luôn luôn đúng. Có nhiều bằng chứng của lịch sử đã cho thấy điều đó, ví dụ như Galiler. Khi đó, dám sống khác biệt chính là sự khẳng định giá trị và nhân cách của một con người. Đôi khi phải có can đảm bảo vệ và sống chết bảo vệ sự khác biệt của mình nếu đó là đúng đắn và tốt đẹp. Khuất Nguyên ngày xưa đã dám một mình trong khi cả đời đục. Tuổi trẻ là tương lai, là vận mệnh của quốc gia, cho nên trong những tình huống thử thách khắc nghiệt của Tổ quốc, họ cần dám sống khác biệt với số đông để dấn thân vào sự hiểm nguy đấu tranh cho sự tồn vong của đất nước, như những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kì trước 1945. e. Tuổi trẻ cần phải có nhận thức đúng về sự khác biệt và hòa đồng, cần nhận thấy hòa đồng khác với a dua, về hùa, cũng như khác biệt không phải là lập dị, để từ đó biết sống hòa đồng và can đảm khác biệt khi cần thiết. Phải biết phát huy bản lĩnh của bản thân trong suy nghĩ, cũng như hành động để thể hiện bản chất tốt đẹp của tuổi trẻ là tương lai, là rường cột của nước nhà.
  19. ĐỀ BÀI Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau: Đề 1: Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then, đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng biển khơi ( ) Câu hát căng buồm với gió khơi Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời Mặt trời đội biển nhô màu mới Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi (Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận) Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác hoặc với thực tế cuộc sống để thấy được tình yêu, sự gắn bó của con người Việt Nam với biển quê hương. Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: "Đọc một tác phẩm - Đi muôn dặm đường". ĐÁP ÁN Đề 1. Nghị luận về đoạn thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận). a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" và giới thiệu khái quát nội dung hai khổ thơ phân tích. b. Thân bài: * Cảm nhận nội dung đoạn thơ: - 4 câu thơ đầu: Cảnh ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. ● Bức tranh thiên nhiên trên biển đẹp huy hoàng, tráng lệ nhưng cũng hết sức thơ. ● Tâm thế ra khơi tràn đầy sức sống, lạc quan, hăng say của những người lao động biển. ● Đặc sắc nghệ thuật: So sánh ("mặt trời xuống biển - hòn lửa"), nhân hóa và liên tưởng độc đáo ("sóng biển - then cửa", cánh cửa chính là màn đêm. Vũ trụ như ngôi nhà lớn đang chìm sâu vào giây phút nghỉ ngơi). - 4 câu thơ sau: Cảnh những đoàn thuyền đánh cá quay về lúc rạng động. ● Bức tranh thiên nhiên lúc rạng đông đầy sức sống, huy hoàng, tráng lệ. ● Hình ảnh người lao động trong khí thế khẩn trương đầy hứng khởi khi quay về sau một đêm lao động hăng say hiệu quả. ● Nghệ thuật tạo dựng kết cấu đầu cuối tương ứng (hình ảnh mặt trời, biển, đoàn thuyền và âm thanh tiếng hát căng buồm cùng gió khơi xuất hiện ở cả đoạn thơ đầu và đoạn thơ cuối), các hình ảnh thơ mới mẻ, độc đáo mang cảm hứng lãng mạn (đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời, mắt cá huy hoàng ). Đánh giá chung: - Đoạn thơ thể hiện sự đẹp giàu của biển quê hương và vẻ đẹp của những người lao động biển, tình yêu thiết tha của những người dân chài lưới với quê hương.
  20. - Liên hệ với tác phẩm khác: HS có thể liên hệ với tác phẩm Cô Tô của Nguyễn Tuân, bài thơ Quê hương của Tế Hanh. - Liên hệ thực tế cuộc sống: Vẻ đẹp giàu của biển đảo quê hương và vai trò, trách nhiệm của mỗi người để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ cho biển mãi xanh, sạch, đẹp. Đề 2. Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học: Đọc một tác phẩm - Đi muôn dặm đường. Thí sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các yêu cầu sau: 1. Về hình thức: ● Bài văn đảm bảo cấu trúc ba phần (mở bài - thân bài - kết bài), thân bài được trình bày thành các đoạn văn. ● Bố cục mạch lạc, diễn đạt lưu loát, hệ thống luận điểm, luận cứ sáng rõ. ● Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu, không mắc các lỗi về diễn đạt. 2. Về nội dung: a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò, ý nghĩa to lớn của việc đọc các tác phẩm văn học đối với mỗi người. b. Thân bài: - Giải thích lời nhận định: ● Giải thích các khái niệm: Tác phẩm, đọc tác phẩm. ● Giải thích hình thức so sánh giàu hình ảnh và cách nói tăng cấp (một tác phẩm - muôn dặm đường): Đọc một tác phẩm văn học như đi được muôn dặm đường, học thêm được nhiều điều bổ ích, trải nghiệm bao điều thú vị, quý giá. ● Giải thích vấn đề cần nghị luận: Việc đọc tác phẩm văn học mang lại cho ta bao điều bổ ích: Tri thức, tình cảm, kinh nghiệm Ta không phải bước chân khỏi nhà để "đi một ngày đàng" nhưng vẫn học được rất nhiều. Mỗi tác phẩm văn chương là một cuộc hành trình, là cả một thế giới mới mẻ, thú vị. - Bàn luận, chứng minh vấn đề: ● Tác phẩm văn chương mở ra cho ta chân trời kiến thức vô hạn về thế giới, về con người và về chính bản thân ta. Đọc một tác phẩm giúp ta hiểu cuộc đời, hiểu con người và hiểu rõ chính mình. ● Tác phẩm văn học giúp ta vượt qua những giới hạn của bản thân (về không gian, về thời gian, về điều kiện vật chất) để được sống nhiều hơn, sống sâu sắc hơn, sống ý nghĩa hơn và sống đẹp hơn. Văn chương giúp ta hoàn thiện bản thân. ● Đọc một tác phẩm văn học hay cũng cho ta niềm vui bất tận trong việc tìm hiểu và khám phá, như tham gia một chuyến hành trình, một cuộc phiêu lưu. Qua đó, ta có được những khoảnh khắc thư giãn, tìm được sự bình yên, phát triển trí tưởng tượng (Học sinh lấy dẫn chứng từ các tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc để chứng minh cho các luận cứ trên). - Bàn luận mở rộng: ● Không phải mọi tác phẩm đều là những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, về nội dung. Trong thị trường sách văn học đa dạng hiện nay, phải biết chọn lựa những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi, mục đích, sở thích của mình. ● Đọc sách nói chung, đọc sách văn học nói riêng, luôn là một việc làm thú vị nhưng cũng không dễ dàng. Vậy ta phải kiên nhẫn và có phương pháp đọc phù hợp để khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương. ● Đọc sách phải gắn với thực tế, áp dụng vào thực tế cuộc sống. c. Kết bài