Phân tích 12 câu đầu đoạn trích "Trao duyên" - Nguyễn Hữu Tùng

docx 4 trang thaodu 8590
Bạn đang xem tài liệu "Phân tích 12 câu đầu đoạn trích "Trao duyên" - Nguyễn Hữu Tùng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxphan_tich_12_cau_dau_doan_trich_trao_duyen_nguyen_huu_tung.docx

Nội dung text: Phân tích 12 câu đầu đoạn trích "Trao duyên" - Nguyễn Hữu Tùng

  1. PHÂN TÍCH 12 CÂU ĐẦU ĐOẠN TRÍCH TRAO DUYÊN Nguyễn Du (1765 -1820) là đại thi hào dân tộc,là danh nhân văn hóa thế giới, là tác giả lớn trong nền văn học trung đại Việt Nam, là một trong những cây bút sáng chói đóng góp cho dòng chảy văn học nước nhà ở những bước chuyển mình vàng son. Ông sống trong giai đoạn đồng tiền làm băng hoài đạo đức, đầy biến động, Nguyễn Du đã được chứng kiến rất nhiều cảnh đời bất công, cũng như sự thối nát của xã hội lúc bấy giờ. Và ông có sự cảm thông sâu sắc đối với những người phụ nữ bất hạnh. Rồi từ đó ông đã viết nên những tác phẩm văn học để nói thay cho tấm lòng đầy ai oán, cho số phận bạc mệnh đáng thương của người phụ nữ. Trong thơ văn ông luôn thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc với những đóng góp to lớn về mặt thể loại và ngôn ngữ. Nguyễn Du để lại cho nền văn học Việt Nam rất nhiều tác phẩm vô cùng đồ sộ. Trong số đó “Truyện Kiều” là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Du được viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Truyện Kiều được coi như kiệt tác văn chương của nhân loại, là tiếng khóc cho số phận của con người, là bài ca cho tình yêu tự do và ước mơ công lí, là bản cáo trạng đanh thép đối với các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến. Đoạn thơ sau đây được trích từ câu 723 đến câu 735 của đoạn trích "Trao duyên", thuộc “Truyện Kiều”, nói về việc Thúy Kiều trao duyên cho em là Thúy Vân và nỗi niềm tâm trạng của Kiều trong lúc trao duyên: "Cậy em, em có chịu lời, Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. Giữa đường đứt gánh tương tư, Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em. Kể từ khi gặp chàng Kim, Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề. Sự đâu sóng gió bất kỳ, Hiều tình khôn lẽ hai bề vẹn hai? Ngày xuân em hãy còn dài, Xót tình máu mủ, thay lời nước non. Chị dù thịt nát xương mòn, Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây." Trước đó gia đình Kiều đang sống trong hạnh phúc, tình yêu của Kiều và Kim Trọng cũng vừa chớm nở thì tai họa ập đến gia đình nàng – bọn sai nha gây nên vụ oan sai, chúng chỉ biết “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Để có tiền hối lộ cho chúng Kiều đã quyết định bán mình. Việc bán mình đã xong xuôi " Tờ đơn đã kí, cân vàng đã trao" trong đêm trước khi theo Mã Giám Sinh, nàng ngồi thức trắng đêm nghĩ về thân phận và mối tình của mình. Vừa lúc đó "Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân" và rồi Kiều đã nhờ Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Trao duyên là điều khó nói, Kiều đã mở đầu lời nhờ cậy thông qua hai câu thơ: "Cậy em, em có chịu lời,
  2. Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. " Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ chân tình, thuần hậu để nói chuyện với Thúy Vân. Ở đây Kiều đã sử dụng “cậy em” chứ không phải “nhờ em” bởi từ “cậy” mang cả sự tin tưởng, sự nương tựa, sự gửi gắm, vì vậy người được “cậy” khó lòng từ chối. Kiều đã đặt hết niềm tin tưởng của mình vào Vân và Vân khó lòng thoái thác được mà phải “chịu lời”. “Chịu lời” chứ không phải là “nhận lời”, ở đây dường như có cả sự nài ép, khẩn cầu trong lời nhờ vả của Kiều. Bên cạnh những từ ngữ tinh luyện đến mức tinh tế ấy, Kiều đã nhún mình xuống thông qua hành động “lạy” “thưa” Thúy Vân – em gái của mình. Liệu phải chăng đây là hành động đi ngược với đạo lý thường tình ? Không, Nguyễn Du đã để Kiều làm như vậy, đã có hành động bất thường đặt trong mối quan hệ với các từ ngữ đặc biệt đã nhấn mạnh tình cảnh éo le của Kiều, để thấy được sự trang nghiêm, thiết tha khẩn cầu của Kiều, rồi từ đó dự báo trước cho Vân cũng như người đọc về sự hệ trọng của điều mà Kiều sắp nói. Và Kiều đã giãi bày rằng: "Giữa đường đứt gánh tương tư, Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em. Kể từ khi gặp chàng Kim, Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề. Sự đâu sóng gió bất kỳ, Hiều tình khôn lẽ hai bề vẹn hai? " Kiều đã nói với em rằng “gánh tương tư” là của chị, tình yêu sâu nặng là của chị nhưng giờ giữa đường lại “đứt gánh” còn đâu. Tơ duyên là của chị, khi đến với em nó đã là “tơ thừa”. Chị hiểu em tuổi còn trẻ có thể chưa biết đến tình yêu. Đáng lẽ em còn được hưởng bao mật ngọt của tình yêu nhưng xin em hãy xót người chị bạc mệnh này mà đáp nghĩa cùng chàng Kim. Ôi! Lời của Kiều thật thống thiết. Cái băn khoăn của Kiều là băn khoăn cho Kim Trọng phải lỡ làng nhân duyên. Cái day dứt của Kiều là day dứt cho Thúy Vân phải “chắp mối tơ thừa” của mình. Từ “mặc” sử dụng ở đây không phải là mặc kệ em, mặc cho ra sao thì ra mà có nghĩa là Kiều muốn phó thác, giao phó trách nhiêm lại cho Thúy Vân, tin tưởng tuyệt đối vào sự cậy nhờ của mình nơi Vân. Tình cảm mà Kiều dành cho Kim Trọng nào đâu phải tình cảm một sớm một chiều, những kỉ niệm đẹp giữa nàng và Kim Trọng như sống lại trong những câu thơ “ngày hẹn ước, đêm chén thề”. Câu thơ ẩn chứa những tình cảm ngọt ngào, những niềm vui nhưng cũng nghe như tiếng nấc nghẹn của Thúy Kiều, những kỉ niệm đẹp ấy sẽ kết thúc, chỉ còn lại chuỗi ngày bi thảm tiếp sau. “Sóng gió bất kì” đó là gia đình Kiều bị mắc oan, cha và em Kiều bị bắt, Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Những biến cố xảy ra liên tục, đẩy Kiều vào chỗ bế tắc, là người chị cả, Kiều phải hi sinh bản thân mình để gia đình được đoàn tụ, êm ấm. Ở đời, phàm, người ta thường hi sinh tất cả mọi thứ vì tình yêu. Là người ai chẳng khát khao được gắn bó với người mình yêu. Và ở
  3. người con gái đa sầu đa cảm như Kiều thì khát vọng ấy lại càng mạnh mẽ gấp bội, vì tình yêu nàng đã từng vượt qua cả lễ giáo phong kiến khắc khe nhất để “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Vậy mà giờ Kiều lại đành lòng vứt bỏ, thật đau đớn biết bao! Chữ hiếu là một phạm trù đạo đức trong đạo Nho, vì hiếu con người ta phải dẹp bỏ tình riêng, là một quan niệm đạo đức phổ biến của người xưa. Và Kiều cũng thế, nàng không bao giờ cho phép mình trở thành người con bất hiếu. Nàng đã chôn vùi tình cảm riêng tư để báo hiếu cho cha mẹ. Từ lời giãi bày của Kiều với em về tình cảnh của mình ta thấy được tâm trạng đau đớn xót xa và sự hi sinh cao cả của nàng. Sợ chưa thuyết phục được em, Kiều đã dùng hết lý lẽ, sự tỉnh táo nhất của lí trí để trải lòng cùng em: "Ngày xuân em hãy còn dài, Xót tình máu mủ, thay lời nước non. Chị dù thịt nát xương mòn, Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây." Kiều đã nói rằng Thúy Vân còn trẻ, còn nhiều thời gian vun đắp cho tình cảm riêng tư nên xin hãy nhận lời chị kết duyên cùng chàng Kim dù rằng tuổi của Kiều và Vân xấp xỉ nhau “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” thế nhưng đối với Kiều giờ đây, tuổi xuân của nàng đã kết thúc. Khoảng thời gian xuân xanh đẹp đẽ giữa nàng và Kim Trọng nay chỉ còn là những kỉ niệm mà không có tương lai. Để thêm thuyết phục và Vân không thể chối từ, Kiều đã đem “tình máu mủ” ra để cầu xin Vân. “Máu chảy ruột mềm” còn gì thiêng liêng hơn tình chị em gắn bó, ruột thịt. Em hãy giúp chị thay “lời nước non” cùng chàng. Nỗi đau đớn đến xé lòng nhưng vẫn phải dằn xuống, kìm nén để nói những lời trao duyên cho em. Thât đau xót thay! Và Kiều đã lấy cả cái chết đầy biết ơn để thuyết phục Vân nhận lời. Bản thân phải hi sinh, Kiều không đắn đo thiệt hơn, nhưng khi nhờ cậy đến em gái thì đó là một cái ơn lớn đối với nàng. Như vậy, Kiều đã nhờ đến tuổi xuân của em, cả tình máu mủ và cả cái chết biết ơn để thuyết phục Vân nhận lời. Đó là những lý lẽ thấu tình đạt lý thể hiện sự thông minh, sắc sảo và cũng đầy tình cảm, cảm xúc của Thúy Kiều. Tóm lại đoạn thơ trên là cảnh Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân và những nỗi niềm cảm xúc của Kiều. Bên ngoài là thái độ cầu khẩn, là tâm trạng thanh thản biết ơn nhưng ẩn sâu đằng sau đó là nỗi niềm đau đớn xót xa của Kiều vì phải từ bỏ duyên tình với Kim Trọng. Với thể thơ lục bát được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo kết hợp với nhiều biện pháp tu từ; sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian và kết hợp cách sử dụng ngôn ngữ chọn lọc,tinh tế, tài tình. Cùng với giọng thơ da diết, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, phù hợp với tâm trạng. Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét tâm trạng dằn vặt, đau đớn khi phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu của Kiều, khiến
  4. hình tượng của nàng trở nên đẹp đẽ hơn trong lòng người đọc. Đồng thời, qua tác phẩm ta còn có thể thấy được sự yêu thương, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình. Qua đoạn trích “Trao duyên”, ta nhận thấy Nguyễn Du thật sự là một bậc đại tài trong việc thấu hiểu từng khía cạnh tinh tế nhất của tâm can con người. Chính sự thấu hiểu sâu sắc ấy cùng với nghệ thuật dùng từ điêu luyện, đã khiến tác phẩm của Nguyễn Du tồn tại như một giá trị vĩnh cửu vượt qua tất cả thử thách khắt khe của thời gian, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng đối tượng tiếp nhận, đã khiến cho triệu vạn người phải rơi nước mắt khóc than cho số phận nàng Kiều: “Tiếng thơ ai động đất trời Nghe như non nước vọng lời ngàn thu Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu) Hay như Mộng Liên Đường cũng đã từng nhận xét: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy", quả thật không ngoa chút nào!