Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Khối 7

docx 14 trang thaodu 4410
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Khối 7", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap_mon_ngu_van_khoi_7.docx

Nội dung text: Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Khối 7

  1. ÔN TẬP NGỮ VĂN I, PHẦN VĂN BẢN : 1, SÔNG NÚI NƯỚC NAM * Phiên âm : Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. * Dịch nghĩa : Sông núi nước Nam, vua Nam ở Giới phận đó đã được định rõ ràng ở sách trời Cớ sao kẻ thù lại dám đến xâm phạm Chúng mày nhất định sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong. * Dịch thơ : Núi sông Nam Việt vua Nam ở Vằng vặc sách trời chia xứ sở Giặc dữ cớ sao phạm đến đây Chúng mày nhất định phải tan vỡ. Nội dung bài thơ Sông núi nước Nam : Được coi là bản tuyên ngôn về độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bài thơ không những khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước mà còn nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược. Nghệ thuật: - Giọng điệu dõng dạc, đanh thép, dứt khoát. - Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. - Ngôn ngữ lựa chọn 2, CẢNH KHUYA Tiếng suối trong như tiếng hát xa, Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa. Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ, Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. RẰM THÁNG GIẾNG Rằm xuân lồng lộng trăng soi, Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân. Giữa dòng bàn bạc việc quân, Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. Nội dung 2 bài thơ trên : Miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc, thể hiện tình cảm với thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ. Nghệ thuật : - Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, so sánh, điệp từ. - Điệp ngữ. - Nhiều hình ảnh thiên nhiên đẹp. - Màu sắc cổ điển mà bình dị, tự nhiên. 3, BÀI CA CÔN SƠN Côn Sơn suối chảy rì rầm Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. Côn Sơn có đá rêu phơi, Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm. Trong ghềnh thông mọc như nêm, Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm. 1
  2. Trong rừng có bóng trúc râm, Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn. Nội dung của “Bài ca Côn Sơn” : Với hình ảnh nhân vật “ta” giữa cảnh tượng Côn Sơn nên thơ, hấp dẫn, đoạn thơ cho thấy sự giao hòa trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên bắt nguồn từ nhân cách thanh cao, tâm hồn thi sĩ của chính Nguyễn Trãi. 4, Hình ảnh người phụ nữ trong “Bánh trôi nước” được thể hiện như thế nào? Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ hiếm hoi trên thi đàn văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm được lưu truyền cho đến ngày nay. Với phong cách sáng tác hiện đại, cá tính, phong khoáng, Hồ Xuân Hương đã khiến người đọc khâm phục tài năng. Bà viết nhiều, viết sâu sắc về phụ nữ Việt nam thời kì phong kiến. Bài thơ “Bánh trôi nước” là một bài thơ ẩn dụ về hình ảnh người phụ nữ. Bài thơ “Bánh trôi nước’ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tứ thơ cô dọng nhưng có nội dung sâu xa. Có lẽ cũng chính vì thế mà người ta gọi bà là “Bà chúa thơ Nôm” với những câu thơ hàm súc nhưng ý kiến quá sắc sảo. Hồ Xuân Hương đã lựa chọn “bánh trôi nước” làm hình ảnh trung tâm, biểu tượng cho người phụ nữ Việt nam trong xã hội phong kiến: Thân em vừa trắng lại vừa tròn Chỉ với 1 câu thơ nhưng Hồ Xuân Hương đã miêu tả quá chi tiết hình dáng, màu sắc của chiếc bánh trôi. Bánh trôi là loại bánh dân dã, gắn liền với đời sống của nhân dân. Tác giả đã dùng từ “thân em” để chỉ chiếc bánh trôi có chăng là ẩn dụ về chính bản thân mình. Có rất nhiều cách để viết hay, viết đẹp hơn nữa nhưng Hồ Xuân hương lại chọn cách viết thật, viết đúng, viết sâu như thế này. “Vừa trắng lại vừa tròn” không phải là chuẩn mực của cái đẹp nhưng lại rất phúc hậu. Chiếc bánh trôi trắng và tròn cũng giống như hình dáng của người phụ nữ hiền lành, điềm đạm và khỏe mạnh. Đến câu thơ thứ 2 là quá trình nấu bánh: Bảy nổi ba chìm với nước non Câu thơ đã khái quát được đầy đủ cách nấu chín bánh trôi trong dân gian. Nhưng hai từ “nổi” và ‘chìm’ dường như gợi nhắc sự bếp bênh, trôi nổi vô định của chiếc bánh trôi, hay của chính cuộc đời người phụ nữ. Số từ “ba, bày’ để ám chỉ nhưng sóng gió, những long đong, lận đận mà người phụ nữ phải trải qua. Xã hội phong kiến đầy áp bức, bóc lột, hành hạ người phụ nữ đến thê thảm. Họ thấp cổ bé họng nên không dám kêu ai, không dám than ai vì có ai thấu, có ai hiểu đâu. Câu thơ thứ 3 dường như là sư phó mặc vào người làm bánh, hay chính là phó mặc cho xã hội đầy bất công; Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Phụ nữ sống trong thời kì phong kiến luôn lép vế, phải cam chịu và đầu hàng số phận. kệ người ta xô, mặc người ta đẩy mà không dám ké răng nửa lời. Họ không dám đấu tranh, không dám đòi công bằng. Từ “mặc” trong câu thơ như khẳng định một sự phó mặc đến não nề, và còn thấp thoáng sự bất cần. Vậy nhưng đọc câu thơ này, chúng ta vẫn nhận ra được một chút chống cự qua từ “mặc” nhưng nó không quá nổi bật. Chỉ là Hồ Xuân Hương là người phụ nữ không chịu khuất phục nên thơ bà cũng không chịu khuất phục như vậy. Mặc dù bị chà đẹp, bóc lột nhưng tâm hồn người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn son sắt Mà em vẫn giữ tâm lòng son Dẫu cho cuộc đời nghiệt ngã, bạc bẽo và bất công như thế nào thì sự son sắt và thủy chung của người phụ nữ vẫn luôn là phẩm chât cao đẹp, đáng trân trọng. Hồ Xuân hương đã khám phá ra một nét đẹp hiếm thấy của phụ nữ Việt Nam. Tâm hồn thanh khiết, tấm lòng son không hề bị vướng bận. Hồ Xuân Hương với sự tài tình trong ngôn ngữ và đặc biệt lối nói ẩn dụ độc đáo đã vén màn cho người đọc thấy xã hội phong kiến nhiều bất công, thối nát. Người phụ nữ phải chịu sự đè nén nhưng vẫn giữ được trái tim thủy chung, son sắt. 5, So sánh cụm từ ta với ta trong Bạn đến chơi nhà và Qua đèo ngang 2
  3. Giống nhau: - Hình thức - Đều được dùng để biểu biểu đạ bộc bạch tâm trạng tình cảm của mỗi tác giả. Khác nhau: - Trong bài bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến: +Ta: Tác giả (Nguyễn Khuyến) + Ta: Khách (bạn) - Bạn đến chơi nhà ta với ta là tôi với bác( nhà thơ với người bạn đến chơi) để khẳng định tình bạn keo sơn găn bó giữa hai người, mang tính đời thường mộc mạc, giản dị, đấm tính Thuần Việt. => Quan hệ gắn bó hòa hợp. Chỉ 2 người, nhưng thể hiện sự đồng nhất trọn vẹn giữa chủ và khách. - Tôi với bác là chúng ta với nhau, thể hiện một tình bạn gắn bó keo sơn vừa kín đáo bộc lộ một chút tự hào chân chính về tình bạn ấy. Ta với ta trong thơ Nguyễn Khuyến là sự gặp gỡ giao lưu của một đôi bạn tri âm tri kỉ.} - Trong bài qua đèo ngang của bà huyệt thanh quan: + Ta: Đều chỉ tác giả (Bà Huyện Thanh Quan) - Trong bài thơ Qua đèo ngang ta với ta là tự nói với chính mình biểu lộ sâu sắc thấm thía nỗi cô đơn của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên bao la hoang vu, khung cảnh rộng lớn, tăng lên nỗi buồn và cô đơn. => Tâm trạng buồn, cô đơn. Chỉ 1 người, 1 tâm trạng - Một mình đối diện với chính mình biểu lộ sâu sắc và thấm thía sự cô đơn của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên trời đất mênh mông hoang vắng nơi xứ lạ 6, * Hình ảnh người bà Bài thơ Tiếng gà trưa của tác giả Xuân Quỳnh là một sáng tác độc đáo. Tác phẩm cho thấy những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về cuộc sống về nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, khi những kỉ niệm tuổi thơ ùa về cũng là lúc hình ảnh của một người bà tần tảo, hết sức yêu thương, chở che cho cháu được hiện lên. Tiếng gà trưa cất lên, phá vỡ sự yên lặng của không gian, làm cho ánh nắng bị xao động; làm dịu đi nhưng mệt mỏi trên đường hành quân xa. Và điều kì diệu hơn, tiếng gà trưa đã khởi dậy, làm cho những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ ùa về. Trải qua bao nhiêu năm xa cách kí ức về đàn gà vẫn còn vẹn nguyên: con gà mái mơ, con gà mái vàng. Những kí ức tuổi thơ đó thật đẹp đẽ và đáng trân trọng. Tiếng gà còn gợi nhắc người lính nhớ về một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, ấy là tình bà cháu. Chỉ trong bốn khổ thơ nhưng tác giả đã gói gém đầy đủ nỗi nhớ về những năm tháng được sống cùng bà dưới mái nhà yên ấm. Trong con mắt của cháu, bà hiện lên thật dung dị với biết bao phẩm chất tốt đẹp. Trước hết bà là người tần tảo, chắt chiu. Trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn nhưng bà luôn cố gắng chắt chiu dành cho cháu những điều tốt đẹp nhất. Những hình ảnh, chi tiết như: “Tay bà khum soi trứng/ Dành từng quả chắt chiu” hay “Bà lo đàn gà toi/ Mong trời đừng sương muối”đó là những hành động giản dị, mong ước thiết thực của bà cốt cũng để dành cho cháu những điều cháu muốn, đó là bộ quần áo mới mỗi độ tết đến xuân về. Cả đời bà tảo tần, vất vả chỉ luôn nghĩ và hi sinh vì con vì cháu, bà chưa một lần nghĩ cho mình, nghĩ vì mình. Hình ảnh người bà trong bài thơ cũng là hình ảnh của biết bao người bà Việt Nam, luôn dành trọn tình yêu thương, chăm lo, chi chút cho cháu. Bà là người luôn ở bên cháu, bảo ban nhắc nhở, có đôi khi trách mắng cũng là trách mắng yêu thương: “Có tiếng bà vẫn mắng Gà đẻ mà mày nhìn Rồi sau này lang mặt”. 3
  4. Tiếng gà trưa đã gợi cho cháu nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn, vất vả mà đầy yêu thương và tươi vui ấy. Qua những lời thơ chân thành ta thấy được một hình ảnh người bà vất vả, tảo tần và luôn yêu thương, lo lắng cho cháu. Tay bà nâng niu từng quả trứng không phải chỉ là nâng niu thành quả lao động của mình mà con chính là nâng niu, trân trọng từng ước mơ, hạnh phúc nhỏ bé, đơn sơ của cháu. Tiếng gà nhảy ổ và niềm hạnh phúc mà bà mang lại đã trở thành nguồn động lực, cổ vũ động viên cháu chiến đấu vì quê hương, vì tổ quốc. Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ, nhịp điệu linh hoạt. Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng và tha thiết. Ngôn từ giản dị, giàu sức biểu cảm. Sử dụng linh hoạt nghệ thuật điệp ngữ đã nhấn mạnh cảm giác, niềm xúc động khi được nghe tiếng gà và nhớ về những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ gắn với người bà tảo tần. Qua lớp ngôn từ giản dị mà giàu sức biểu cảm, bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm trong sáng, đằm thắm của tuổi thơ. Đồng thời còn cho thấy hình ảnh của người bà tảo tần qua những chi tiết thật bình thường, giản dị nhưng xúc động, chân thành. Những tình cảm về bà và quê hương chính là động lực để cháu vững tay súng, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc. * BÀI VĂN CẢM NGHĨ, CẢM NHÂN VỀ TÌNH BÀ CHÁU TRONG “TIẾNG GÀ TRƯA” Tình bà cháu luôn là thứ tình cảm thiêng liêng mà siết bao gần gũi, ấm áp. Hình ảnh của bà luôn gắn liền với những kí ức tuổi thơ rất đỗi hồn nhiên, trong sáng. Đến với “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, ta sẽ bắt gặp một tình bà cháu bình dị mà cũng vô cùng cảm động như thế. Dòng cảm xúc về bà được đánh thức và khơi dậy trong tâm hồn tác giả từ một âm thanh hết sức quen thuộc của đời sống: tiếng gà trưa. Đây cũng chính là thi tứ dẫn dắt toàn bộ tác phẩm: Âm thanh bình dị của làng quê dội vào tâm tưởng của người lính trên đường hành quân đã làm bao kỉ niệm tuổi thơ trong anh trỗi dậy. Điệp từ “nghe” được nhắc lại ba lần đã thể hiện sự xúc động, nghẹn ngào của người lính. “Nghe” ở đây không chỉ là nghe bằng thính giác mà là bằng tất cả tâm hồn, tất cả tình yêu thương về người bà kính yêu. Bà luôn dành cho cháu biết bao tình yêu thương cùng sự quan tâm, lo lắng: Lời bà mắng yêu sao mà ấm áp và gần gũi. Người cháu ngây thơ tưởng lời bà là thật, về lấy gương soi mà lòng lo lắng. Kỉ niệm rất đỗi bình dị, đời thường nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Đọc câu thơ, ta còn như nghe thấp thoáng lời bà của mình vẫn dặn con cháu ngày nào. Tình bà cháu sâu nặng thắm thiết được hiện lên qua hình ảnh người bà luôn lo toan, vất vả, tảo tần sương sớm: Ta như hình dung được bà dành biết bao sự công phu, tỉ mỉ trong việc lựa từng quả trứng cho con gà mái ấp. Đó là cả sự chắt chiu của bà trong cảnh nghèo để dành trọn vẹn tình yêu thương cho các cháu. Yêu cháu, bà luôn muốn hy sinh tất cả để cháu có được những điều tốt đẹp nhất: Nỗi lo lắng của bà cho đàn gà mỗi khi gió mùa về suy cho cùng cũng là vì hạnh phúc trẻ thơ. Bà mong trời đừng sương muối để đến cuối năm bán gà cháu có được bộ quần áo mới. Sự vất vả, hi sinh, lam lũ của bà là để đổi lại niềm vui, tiếng cười của cháu. Cái quần chéo go thì ống rộng dài quét đất, cái áo cánh chúc bâu thì đi qua nghe sột soạt. Bộ quần áo ấy dẫu không vừa vặn nhưng nó chứa đựng tất cả tình yêu thương và chắt chiu, dành dụm của bà. Hiểu được điều đó, người cháu nhắc lại những kỉ niệm tuổi thơ cùng với một niềm kính yêu, trân trọng vô bờ dành cho bà. Tình bà cháu càng thiêng liêng, cao cả hơn khi nó găn với tình yêu Tổ quốc: Người chiến sĩ lên đường ra mặt trận không chỉ vì tình yêu Tổ quốc mà còn xuất phát từ một nguyên nhân hết sức bình dị: đó là vì bà, vì xóm làng thân thuộc- nơi có tiếng gà cục tác và ổ trứng hồng tuổi thơ. Tình cảm gia đình, tình bà cháu đã làm sâu sắc thêm tình yêu Tổ quốc, đúng như I- li- a Ê- ren- bua đã nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Tình bà cháu giản dị, gần gũi mà ấm áp, thiêng liêng chính là nguồn cảm hứng xuyên suốt toàn bài thơ, điều làm nên giá trị của tác phẩm. Thành công của bài thơ còn nằm ở chỗ nó đã đánh thức những tình cảm cao đẹp với người thân yêu luôn thường trực trong mỗi chúng ta. 4
  5. II, PHẦN TIẾNG VIỆT 1, * Từ ghép được chia làm 2 loại đó là từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập. + Từ ghép chính phụ: trong từ ghép được chia làm từ chính và từ phụ, từ phụ có nhiệm vụ giúp bổ sung nghĩa cho từ chính. Thông thường từ chính sẽ được trước còn từ phụ đi theo sau bổ nghĩa cho từ chính, + Từ ghép đẳng lập sẽ không có phân biệt từ nào chính từ nào phụ, bình đẳng về mặt ngữ pháp. * Nghĩa của từ ghép : + Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ thường hẹp hơn nghĩa của tiếng chính. + Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó. 2, Nghĩa của từ láy thường được tạo thành nhờ đặc điểm am thanh của tiếng và sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng. VD : -lí nhí, li ti, ti hí -nhấp nhô, phập phồng, bập bềnh -oa oa, tích tắc, gâu gâu a. Nghĩa của các từ láy ha hả, oa oa, tích tắc, gâu gâu = > mô phỏng âm thanh: âm thanh tiếng cười, âm thanh tiếng trẻ khóc, âm thanh tiếng đồng hồ chạy, âm thanh tiếng cho sủa. b. Đặc điểm của nhóm từ láy. - Lí nhí, li ti, ti hí. + Miêu tả những âm thanh, những hình dáng nhỏ bé. + Đều thuộc loại láy vần. - Nhấp nhô, phập phồng, bồng bềnh. + Miêu tả trạng thái dao động, ẩn hiện, không rõ ràng. + Đều thuộc láy phụ âm. c. Ý nghĩa biểu đạt. Các từ láy: mềm mại, đo đỏ so với nghĩa từ gốc của chúng đỏ, mền - > sắc thái của từ láy giảm nhẹ so với gốc đo đỏ và nhấn mạnh hơn mềm mại. * (1) lí nhí, li ti, ti hí. (2) nhấp nhô, phập phồng, bập bềnh - Các từ thuộc nhóm (1) đều có khuôn vần i. Âm thanh của khuôn vần này gợi ra những cái nhỏ vụn, tương ứng với những sự vật, hiện tượng mà các từ lí nhí, li ti, ti hí, biểu đạt. - Các từ thuộc nhóm (2) có đặc điểm là: + Láy bộ phận phụ âm đầu, tiếng gốc đứng sau. + Các tiếng láy đều có chung vần âp, có thể hình dung mô hình cấu tạo loại từ này như sau: (x + âp) + xy; trong đó, x là phụ âm được láy lại, y là phần vần của tiếng gốc,âp là phần vần của tiếng láy. + Các từ thuộc nhóm này có chung đặc điểm ý nghĩa là: chỉ sự trạng thái chuyển động liên tục, hoặc sự thay đổi hình dạng của sự vật. Nghĩa của các từ láy oa oa, tích tắc, gâu gâu được tạo thành do đặc điểm về âm thanh Các từ này được tạo thành dựa trên nguyên tắc mô phỏng âm thanh (còn gọi là từ láy tượng thanh): oa oa giống như âm thanh tiếng khóc của em bé, tích tắc giống như âm thanh quả lắc đồng hồ, gâu gâu giống như âm thanh của tiếng chó sủa. 3, Đại từ là những từ dùng để trỏ người, sự vật, hoạt động, tính chất, được nói đến trong 1 ngữ cảnh nhất định của lời nói hoặc dùng để hỏi. * Ví dụ đại từ Đại từ để trỏ người sự vật: Nó đã về chưa? Đại từ để trỏ số lượng: Chúng ta nên làm việc nghiêm túc. 5
  6. Đại từ để hỏi số lượng: Có bao nhiêu sinh viên tham gia đại hội? Đại từ để hỏi hoạt động tính chất sự việc: Diễn biến câu chuyện ra sao? 4, Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách, - TĐN hoàn toàn (không phân biệt nhau về sắc thái): Là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, được dùng như nhau và có thể thay thế cho nhau trong lời nói. VD : xe lửa = tàu hoả con lợn = con heo - TĐN không hoàn toàn (có sắc thái nghĩa khác nhau) : Là các từ tuy cùng nghĩa nhưng vẫn khác nhau phần nào sắc thái biểu cảm (biểu thị cảm xúc , thái độ) hoặc cách thức hành động. Khi dùng những từ này,ta phải cân nhắc lựa chọn cho phù hợp. VD: Biểu thị mức độ, trạng thái khác nhau: cuồn cuộn, lăn tăn, nhấp nhô, (chỉ trạng thái chuyển động, vận động của sóng nước ) + Cuồn cuộn : hết lớp sóng này đến lớp sóng khác, dồn dập và mạnh mẽ. + Lăn tăn : chỉ các gợn sóng nhỏ, đều, chen sát nhau trên bề mặt. + Nhấp nhô : chỉ các đợt sóng nhỏ nhô lên cao hơn so với xung quanh. 5, - Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau. - 1 từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau. * Sử dụng từ trái nghĩa trong các phép đối, nhằm tạo ra các hình tượng tượng tương phản, sử dụng từ TN khi muốn gây ấn tượng mạnh, làm cho lời nói thêm sinh động. 6, Từ đồng âm: Là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau. Từ đồng nghĩa: là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách Vd: TĐÂ: mùa thu – thu tiền TDDN : vừng – mè ĐNHT; hy sinh – chết Ko HT 6
  7. III, PHẦN TẬP LÀM VĂN: Đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Rằm tháng Giêng” của Hồ Chí Minh. Bài làm Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng bên cạnh đó Người cũng là một hồn thơ tài hoa. Với nhiều tác phẩm giá trị để lại, Bác đã đóng góp một phần không nhỏ trong nền thi ca nước nhà. “Nguyên tiêu” hay “Rằm tháng Giêng” là một tác phẩm ghi lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử nước nhà. Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947 sang hè 1948 quân ta lại liên tục thắng lớn trước thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó bài thơ xuất hiện trên báo “Cứu quốc” như truyền thêm cho quân và dân ta tình yêu thương vô bờ đối với quê hương đất nước, đồng thời cho ta thấy được tấm lòng luôn canh cánh vì nước vì dân của Bác Hồ. Nguyên tác bằng chữ Hán: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên; Yên ba thâm xứ đàm quân sự, Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền Bản dịch: Rằm xuân lồng lộng trăng soi Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân Giữa dòng bàn bạc việc quân Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền Mở đầu bài thơ là một không gian bao la rộng lớn: Rằm xuân lồng lộng trăng soi. Ánh trăng đêm xuân an lành lồng lộng. Từ “lồng lộng” được đảo lên trên cho ta thấy cái rộng lớn bao la của cảnh sắc đêm xuân. Hình ảnh ánh trăng thường được sử dụng trong thơ Bác như một người bạn tri âm tri kỉ. Ở đây, ngay trong đêm Rằm vẫn luôn dõi theo, bầu bạn với Bác. Câu thơ tiếp: Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân Câu thơ cho ta thấy cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Hai từ “xuân” lặp lại nối tiếp nhau mở ra cho ta một không gian rợn ngợp tràn đầy sắc xuân, tràn đầy sức sống. Sông, nước, ánh trăng như nối liền nhau, giao hòa với nhau giữa vẻ đẹp của đất trời. Câu thơ thứ ba vô tình nói vên hoàn cảnh và vị trí ngắm trăng của Bác: Giữa dòng bàn bạc việc quân. Ở hai câu thơ đầu cảnh thiên nhiên được Bác miêu tả quá sống động làm ta tưởng như Bác đang rất nhàn nhã ngắm trăng. Nhưng không, bác ngắm trăng trong một hoàn cảnh rất đặc thù, chơi vơi giữa dòng nước. Để tránh sự truy lung của quân địch, Bác cùng các chiên sĩ phải bàn bạc việc quân ở trên thuyền. Và ở nơi đó, ngay giữa trung tâm của đất trời, hồn thơ của Bác như giao hòa với thiên nhiên để vẽ lên cảnh thiên nhiên tuyệt sắc. Đọc câu thơ ta thấy thầm thương Bác, Người luôn đau đáu tấm lòng vì nước vì dân. Công việc bộn bề nhưng Bác vẫn luôn yêu thiên nhiên cảnh vật. Điều đó cho ta thấy tư thế ung dung lạc quan yêu đời của người chiến sĩ cách mạng. Câu thơ cuối: Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền Con thuyền trong câu thơ cuối là ẩn dụ sâu sắc về thắng lợi của cách mạng. Con thuyền cách mạng rực rỡ ánh trăng ngân báo hiệu cho ngày chiến thắng không còn cách xa. Câu thơ thể hiện một niềm lạc quan, niềm tin vô cùng với cách mạng. Bài thơ “Rằm tháng Giêng” là một bài thơ độc đáo của Bác Hồ. Bài thơ vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên vô cùng của Bác đồng thời cũng nói lên tinh thần lạc quan giữa hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt. 7
  8. Bài thơ Cảnh khuya được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1947, khi quân và dân ta đang thắng lớn trên chiến trường Việt Bắc. Sông Lô, Đoan Hùng đã đi vào lịch sử bằng những nét vàng chói lọi đầu tiên của ta trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Bài thơ thể hiện cảm hứng yêu nước mãnh liệt dạt dào ánh sáng và âm thanh. Đó là ánh sáng của trăng Việt Bắc, của lòng yêu nước sâu sắc: Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ, Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà Cùng với các bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc, Đi thuyền trên sông Đáy, Cảnh khuya thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu nước sâu sắc của Bác trong một đêm trăng nơi núi rừng Việt Bắc. Hai câu thơ đầu trong bài thơ tả cảnh đêm khuya nơi núi rừng Việt Bắc. Trăng càng về đêm càng sáng. Ánh trăng lan toả bao phủ khắp mặt đất. Đêm vắng, tiếng suối nghe càng rõ. Tiếng suối chảy êm đềm nghe rất trong rì rầm từ xa vọng đến. Cảm nhận của Bác thật tinh tế, nghe suối chảy mà cảm nhận được mức độ xanh trong của dòng nước. Tiếng suối trong đêm khuya như tiếng hát xa dịu êm vang vọng, khoan nhạt như nhịp điệu của bài hát trữ tình sâu lắng. Đó là nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tiếng suối rì rầm êm ả, vắng lặng trong đêm chiến khu. Tiếng suối và tiếng hát là nét vẽ tinh tế gợi tả núi rừng chiến khu thời máu lửa mang sức sống và hơi ấm của con người: Tiếng suối trong như tiếng hát xa Sáu trăm năm trước trong bài thơ Bài ca Côn Sơn Ức Trai đã có cảm nhận cực kỳ tinh tế về dòng suối Côn Sơn: Côn Sơn suối chảy rì rầm Ta nghe như tiếng đàn cầm bền tai Tiếng suối nghe sao mà êm đềm thơ mộng đến thế. Nó như những giọt của cây đàn cầm vang vọng bên tay. Đầu thế kỉ XX Nguyễn Khuyến đã từng viết về dòng suối như sau: Cũng có lúc chơi nơi dặm khách Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo Mỗi một vần thơ, mỗi một khung cảnh, âm thanh của suối chảy được cảm nhận tinh tế khác nhau. Sau tiếng suối nghe như tiếng hát xa kia là trăng chiến khu. Ánh trăng chiến khu sao mà sáng và đẹp thế. Tầng cao là trăng, tầng giữa là cổ thụ, tầng thấp là hoa - hoa rừng. Cả núi rừng Việt Bắc đang tràn ngập dưới ánh trăng. Ánh trăng bao phủ khắp không trung mát dịu, len lỏi xuyên qua kẽ lá, tán cây, ánh trăng như âu yếm, hoà quyện cùng thiên nhiên cây cỏ. Ánh trăng như xoáy và lồng vào những tán lá. Và trên mặt đất những đoá hoa rừng đang ngậm sương đêm cùng với bóng cổ thụ đan xen trên mặt đất. Đêm thanh, trên không trung dường như chỉ có vầng trăng ngự trị. Đêm vắng, trăng thanh mặt đất cỏ cây như ngừng thở để đón đợi ánh trăng mát lạnh dịu hiền mơn man ôm ấp: Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa Chữ lồng điệp lại hai lần đã nhân hoá vầng trăng, cổ thụ và hoa. Trăng như người mẹ hiền đang tiếp cho muôn vật trần gian dòng sữa ngọt ngào. Trăng trở nên thi vị, trữ tình lãng mạn. Chữ lồng gợi cho ta nhớ đến những câu thơ sau trong Chinh phụ ngâm: Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông, Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng Trong câu có tiểu đối trăng lồng cổ thụ / bóng lồng hoa tạo sự cân xứng trong bức tranh về trăng, ngôn ngữ thơ trang trọng, điêu luyện tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp tràn đầy chất thơ. Cảnh khuya trong sáng, lung linh huyền ảo. Đọc vần thơ ta nghe như có nhạc, có hoạ, bức tranh cảnh núi rừng Việt Bắc thơ mộng biết bao. Người xưa từng nói thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc quả thật không sai. Đối với Bác trăng đã trở nên tri âm tri kỉ nên làm sao có thể hờ hững trước cảnh đẹp đêm nay. Trong ngục tối bị giam cầm, trước ánh trăng tuyệt đẹp Bác Hồ cũng đã có những vần thơ tuyệt diệu: 8
  9. Trong tù không rượu cũng không hoa Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ (Ngắm trăng) Một thi sĩ với tâm hồn thanh cao đang sống những giây phút thần tiên giữa cảnh khuya chiến khu Việt Bắc. Giữa bức tranh thiên nhiên rộng lớn và hữu tình như vậy, tâm trạng thi sĩ bỗng vút cao thả hồn theo cảnh đẹp đêm trăng bởi đêm nay Bác không ngủ. Trước cảnh đẹp đêm trăng: có suối, có hoa lá, núi ngàn, và cả tâm trạng của Bác. Bác không chỉ xúc động trước cảnh đẹp thiên nhiên mà: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà Nước nhà đang bị giặc xâm lăng giày xéo, biết bao đồng chí đang bị gông cùm xiềng xích. Cuộc đời còn lầm than cơ cực, bao năm Bác bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than. Nay nước nhà còn đang chìm trong khói lửa đạn bom lòng Bác sao có thể ngủ yên giấc được. Chưa ngủ không hẳn chỉ vì cảnh đẹp đêm nay mà chưa ngủ vì nỗi nước nhà. Nỗi nhớ nhà lo cho nước nhà làm cho trái tim Bác luôn thổn thức. Bác thức trong đêm khuya trằn trọc băn khoăn không sao ngủ được. Lòng yêu nước sâu sắc mãnh liệt xiết bao. Đã có biết bao đêm Bác Hồ của chúng ta cũng mất ngủ như vậy: Một canh, hai canh, lại ba canh Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh (Không ngủ được) Hình ảnh sao vàng chính là tự do độc lập, niềm thao thức mơ ngày mai ánh hồng soi đất nước hoà bình. Một tâm hồn nghệ sĩ thanh cao lồng trong cốt cách người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Cảm hứng thiên nhiên chan hoà với cảm hứng yêu nước tha thiết của Bác. Bài thơ Cảnh khuya là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt cực hay, là một trong những bài thơ trăng đẹp nhất của Bác. Giữa chốn rừng Việt Bắc tràn ngập ánh trăng, lòng Bác luôn thao thức vì nỗi nước nhà. Đó là nét đẹp riêng của bài thơ, cảm hứng thiên nhiên nhiên chan hoà trong lòng yêu nước sâu sắc. Thương dân, lo cho nước, yêu trăng như dẫn hồn ta vào giấc mộng đẹp. Đọc thơ Bác giúp ta càng biết ơn, yêu kính Bác Hồ hơn. Mỗi chúng ta đều được lớn lên trong tiếng ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Tuổi thơ của chúng ta luôn được đắm chìm trong tiếng sáo diều vi vút trong trẻo và những lời ru, những câu chuyện cổ tích chứa chan nghĩa tình. Và ở nơi đó chúng ta học được bao nhiêu điều hay, lẽ phải. Rất khéo léo và trữ tình, cha ông ta đã gửi gắm những lời giáo dục đạo đức trong những câu ca ngọt ngào. Em đã vô cùng xúc động và thấm thía khi nghe câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con Đây là câu ca dao vô cùng quen thuộc đối với mỗi người. Câu ca đơn giản và vô cùng dễ hiểu nhưng nội dung lại rất sâu sắc và thấm thía. Bài ca dao nói đến công ơn to lớn của cha mẹ và giáo dục đạo lí làm con. Nhân dân ta đã ví công lao của cha mẹ với những hình ảnh hùng vĩ, to lớn. Công cha sừng sững như Thái Sơn – ngọn núi lớn. Hình ảnh so sánh mạnh mẽ và hùng vĩ, vững chãi. Tục ngữ đã có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Người cha là chỗ dựa vững chắc cho những đứa con. Hình ảnh so sánh mang đầy ý nghĩa. Ngọn núi Thái Sơn biểu tượng cho sự vững chãi của người cha. Và càng thú vị hơn khi tìm hiểu ý nghĩa của cặp “Công cha – nghĩa mẹ”. Cha có công nuôi dưỡng giáo dục, mẹ là người mang nặng đẻ đau và sinh thành ra ta. Công cha lớn bao nhiêu thì 9
  10. nghĩa mẹ vô tận bấy nhiêu. Bên cạnh người cha vững chãi như Thái Sơn là mẹ hiền với bao yêu thương. “Nước trong nguồn” vừa trong lành, mát rượi vừa không bao giờ vơi cạn. Hai hình ảnh tạo nên những biểu tượng nghệ thuật đầy ý nghĩa. So sánh giản dị, đời thường mà sao sâu sắc đến vậy. Hai hình ảnh so sánh vừa có ý nghĩa biểu tượng, vừa thể hiện được tính chất của “công cha – nghĩa mẹ”. Cha là núi Thái Sơn bởi chja là người che chở, là chỗ dựa và cũng là đỉnh cao để con hướng tới. Còn mẹ luôn dịu dàng, chăm sóc, yêu thương. Tình thương của mẹ là dòng sữa ngọt lành nuôi ta lớn lên, là lời ru ngọt ngào đưa ta vào những giấc ngủ êm đềm, là những bữa cơm ngon, làn gió mát. Tình thương của cha mẹ dành cho con là vô bờ, chỉ có thể so sánh với những gì vĩ đại nhất của thế giới này. Cha nẹ cho ta cuộc sống, dạy ta cách sống và là chốn bình yên nhất để ta hướng đến mỗi khi nỗi nhọc nhằn của cuộc sống đè nặng lên vai. Mái nhà thân yêu, nơi có mẹ có cha ta chính là bến đỗ bình yên và an toàn trong cuộc đời mỗi con người. Nhà thơ Nga Êxênin đã từng viết về mẹ như thế: Chỉ mẹ là niềm vui ánh sáng diệu kì Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước Vì thế mỗi chúng ta phải biết thương yêu, quý trọng cha mẹ, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành đều phải biết nghe lời cha mẹ, phải sống cho trọn đạo hiếu. Cha ông đã từng nói: Cá không ăn muối cá ươn Con cưỡng cha mẹ, trăm đường con hư Bài ca dao đã nhắc nhở bổn phận làm con của mỗi người. Mỗi chúng ta đều cảm nhận được tình yêu thương mà cha mẹ đã dành cho mình, chúng ta tự biết mình phải sống, phải lao động và học tập như thế nào để không phụ công nuôi dưỡng, thương yêu của mẹ cha. Làm một người tốt, đó là sự trả ơn, là đạo hiếu lớn nhất mà mỗi người con có thể đền đáp cho những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ. Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Bài làm Người Việt Nam ta rất coi trọng đời sống tình cảm, nhất là tình cảm gia đình. Có lẽ không ai không biết đến bài ca dao đã trở thành lời ru quen thuộc tự bao đời: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Nói về công lao của cha mẹ đối với con cái, câu ca dao trên đã đưa ra những hình ảnh giàu sức biểu cảm để so sánh và chỉ ra những hình ảnh vĩ đại như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn mới diễn tả hết công lao so sành ấy. Thái Sơn là một ngọn núi cao nổi tiếng ở Trung Quốc, tượng trưng cho những gì lớn lao, vĩ đại. Khi so sánh Công cha như núi Thái Sơn, nhân dân ta muốn nhấn mạnh công lao của người cha trong việc nuôi dạy con cái trưởng thành. Còn hình ảnh nước trong nguồn thể hiện tình yêu thương vô hạn của người mẹ đối với các con. Người xưa đã ví công cha với ngọn núi cao nhất, còn nghĩa mẹ lại so sánh với nước trong nguồn bất tận. Đọc kĩ bài ca dao, ta sẽ ngạc nhiên trước sự tinh tế này. Người xua đã phản ánh rất đúng đặc điểm tâm lí và cách biểu hiện tình cảm của cha mẹ đối với con cái để từ đó chọn chữ và dùng hình ảnh so sánh cho hợp lí. Vì thế chữ công để nói về cha, chữ nghĩa để nói về mẹ. Hai hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn tuy khác xa nhau nhưng đều phù hợp với vai trò và vị trí của mỗi người. 10
  11. Công sinh thành của cha mẹ rất lớn. Không có cha mẹ thì không có các con. Bất cứ một anh hùng hay vĩ nhân nào cũng đều được sinh ra từ cha mẹ của mình. Cha mẹ đã dứt ruột sinh ra các con, đã chia sẻ một phần xương thịt để các con có mặt trên đời. Chính vì vậy, công ơn sinh thành của cha mẹ sánh ngang với núi cao, biển rộng. Cha mẹ cũng là người nuôi dưỡng các con từ khi mới chào đời cho đến lúc trưởng thành. Mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt lành. Cha mẹ thay nhau chăm sóc đàn con mỗi khi trái gió trở trời. Cha mẹ ra sức làm lụng để nuôi các con khôn lớn.Từ một hình hài nhỏ xíu cho đến khi biết đi, rồi biết đọc, biết viết, biết nấu cơm, quét nhà, biết làm lụng để tự nuôi thân đâu phải là chuyện ngày một, ngày hai. Các con lớn dần lên cũng là lúc cha mẹ già yếu đi. Cha mẹ đã dành cho đàn con tất cả tâm huyết và sức lực của mình. Không chỉ nuôi con lớn, cha mẹ còn dạy dỗ cho các con nên người. Cha mẹ dạy con bằng chính những việc làm, những hiểu biết về đời sống, về đạo làm người của mình. Sau này, dù được thầy cô dạy dỗ, được người đời khuyên răn, nhưng cha mẹ vẫn là người thầy đầu tiên, người thầy gần gũi nhất của các con. Hạnh phúc thay cho những đứa con được ấm ủ, yêu thương trong vòng tay cha mẹ! Vậy làm con phải đối xử với cha mẹ như thế nào để đền đáp chữ hiếu? Câu cuối của bài ca dao nhắc nhở chúng ta bổn phận làm con: Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Đạo con là đạo đức, trách nhiệm làm con. Bổn phận của con cái là phải bày tỏ lòng biết ơn và thái độ kính mến, chăm sóc cha mẹ lúc già yếu. Tình cảm đối với cha mẹ phải chân thành và được thể hiện qua những thái độ, hành động xứng với đạo làm con. Trong dân gian xưa nay đã lưu truyền những câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ qua Nhị thập tứ hiếu (Gương sáng của hai mươi bốn người con hiếu thảo). Nàng Cúc Hoa dắt mẹ đi ăn mày, gặp cảnh ngặt nghèo đã cắt thịt ở cánh tay mình để dâng mẹ ăn cho đỡ đói. Có lẽ đó cũng là một cách nói cường điệu để ca ngợi đức hiếu thảo. Còn trong đời thường, lòng biết ơn cha mẹ được thể hiện qua những lời nói và việc làm cụ thể hằng ngày như cốc nước mát ân cần trao tận tay cha mẹ khi đi làm về nắng nôi, mệt nhọc; là bát cháo nóng bưng cho cha mẹ khi ốm mệt; là sự cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của cha mẹ mà không đua đòi ăn diện quần nọ, áo kia Điều quan trong nhất đối với lứa tuổi học sinh là chúng ta phải phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành người con ngoan, trò giỏi, thành niềm vui, niềm tự hào của cha mẹ. Năm tháng qua đi, em ngày một trưởng thành. Em tự nhủ phải học tập thật giỏi để sau này trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội và thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của cha mẹ lúc tuổi già. Bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn luôn nhắc nhở em giữ trọn đạo làm con. Bài viết số 1 lớp 7 đề 1: Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú hoặc cảm động mà em gặp ở trường Chiều qua, khi hồi trống tan trường vừa điểm tôi vội vã đi thẳng về phía nhà xe. Trên con đường quen thuộc, đôi chân tôi guồng những vòng xe mạnh mẽ hơn. Tôi đạp xe về nhà mà trong lòng háo hức. Tôi vừa xúc động lại vừa thấy vui vui. Tôi mong sao được kể thật nhanh cho cả nhà nghe câu chuyện cảm động mà tôi vừa được chứng kiến ở trường mình. Chả là để thể hiện lòng biết ơn thực sự của các thế hệ con cháu đối với sự hy sinh của cha ông, trường tôi có mời một đoàn ca nhạc về trường biểu diễn. Điều đặc biệt là các ca sĩ đều là những người đã phải gánh chịu ít nhiều những di chứng của chất độc màu da cam. Người thì bị mất đôi chân, người thì không con đôi mắt. Đáng thương hơn khi có những người dường như chỉ còn tồn tại một vài bộ phận trong con người. Thế nhưng tất cả những con người ấy đã khiến cho cả trường chúng tôi phải vô cùng khâm phục bởi họ là những tấm gương tuyệt vời về ý chí và sự quyết lâm. 11
  12. Thú thực, mới đầu chúng tôi đi xem chỉ vì đứa nào cùng háo hức tò mò. Thế nhưng khi tấm màn nhung khép lại chương trình biểu diễn thì chúng tôi đứa nào đứa nấy đều cảm thấy xúc động sâu xa. Buổi diễn bắt đầu bằng những lời giới thiệu chân thật và lay động lòng người của chú trưởng đoàn. Nó dường như là một bài diễn thuyết được chuẩn bị kỹ càng từ trước. Thế nhưng khi chính những mảnh đời đau khổ kia lên tiếng thì mọi người bắt đầu rơi nước mắt. Những cái tên, những quê quán, những cuộc đời và những lý do Tất cả, tất cả đều bắt đầu bằng những ước mơ, những khát khao yên bình và hạnh phúc. Thế nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả. Chiến tranh tàn bạo đến mức không cho cả những ước mơ nhỏ nhoi nhất được hình thành. Mười ca sĩ là mười cảnh tàn tật khác nhau, mười lý do bất hạnh khác nhau. Và tất nhiên phía sau mười con người cần được cảm thông và chia sẻ ấy còn bao nhiêu người khác đang ngày đêm ngậm ngùi ôm những nỗi đau đớn xót xa. Khác hẳn với màn giới thiệu, buổi trình diễn lại chẳng có một chút gì gợi ra cảnh đau thương. Rất nhiều và rất nhiều bài hát đã được biểu diễn bởi những chất giọng khác nhau. Thế nhưng chúng đều có chung một đặc điểm đó là đều ngợi ca những ước mơ, lòng bác ái và sự công bằng; ngợi ca những ước mơ và khát khao của tuổi thơ của những người đang sống và cả những người đã khuất. Chương trình cuốn hút tất cả người xem, thậm chí nhiều bạn, trong đó có cả tôi đã bước lên sân khấu để tặng hoa và để cùng hát lên những lời ca chia sẻ. Chúng tôi đã khóc, khóc thực sự trong niềm thân ái, trong sự yêu thương và mong ước được sẻ chia. Buổi trình diễn nằm ngoài sự hình dung của tất cả chúng tôi. Nó thực sự khiến chúng tôi bất ngờ và xúc động. Câu chuyện được tôi kể cho gia đình nghe ngay sau khi mọi người dùng xong cơm trưa. Nhấp một chút nước trà, bố tôi vừa dặn đò vừa tâm sự: "Các con còn nhỏ hiểu được như thế là rất quý. Thế nhưng, những gì các con đã làm là chưa thật lớn đâu. Các con còn phải làm nhiều việc tốt lành hơn nữa để đền đáp công ơn của những người đã hy sinh để mang lại hạnh phúc cho cuộc đời mình”. Bài viết số 1 lớp 7 đề 2 bài Lượm Một ngày cuối năm 1947, nhà thơ Tố Hữu có chuyến công tác đến tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hôm ấy đến đồn Mang Cá, ông thấy không khí chiến đấu của chiến sĩ rất sôi nổi nên rất vui mừng. Sau khi báo cáo tình hình của đồn, các đồng chí chỉ huy đồn mời nhà thơ đi tham quan tình hình xung quanh. Bất chợt ông nhìn thấy chú bé khoảng hơn 10 tuổi trông rất lanh lẹ và hoạt bát đang xem xét những bao thư trong túi xắc. Nhà thơ nhìn chú bé rất chăm chú. Cậu bé có dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, đôi chân cứ thoăn thoắt chạy đi chạy lại hỏi han nhưng người xung quanh điều gì đó. Bên hông chú chiếc xắc nhỏ xinh cứ lắc đập tung tẩy. Đôi mắt cậu mở to, trong sáng, hồn nhiên, rất hợp với chiếc mũ ca nô xinh xắn đội lệch trên đầu. Đồng chí Tố Hữu hỏi một chiến sĩ đi cùng thì được trả lời: - Báo cáo đồng chí, đó là em Lượm, liên lạc viên xuất sắc nhất của đồn hiện nay. Có lẽ em đang hỏi để đưa thư cho mọi người. Nhà thơ Tố Hữu vui vẻ lại gần chú bé Lượm hỏi chuyện: - Thế cháu mấy tuổi rồi? - Dạ, cháu 11 tuổi ạ! - Đi liên lạc cháu thấy thế nào? - Dạ, vui lắm chú ạ! Mọi người ai cũng vui vẻ, hăng hái. Ở đồn Mang Cá cháu còn thích hơn ở nhà nữa cơ. - Nếu thành Huế ai cũng như cháu thì quân Pháp sẽ bại trận trong một ngày không xa. Nhà thơ chưa kịp hỏi chuyện thêm thì Lượm đã cất tiếng chào để tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Bẵng đi một vài tháng, một hôm nhà thơ Tố Hữu đang làm việc ở cơ quan thì có một đồng chí trong ban chỉ huy đồn Mang Cá xin được vào báo cáo. Sau khi làm xong việc, nhân được gặp người quen, Tố Hữu và đồng chí ở đồn Mang Cá hàn huyên trò chuyện. Nghe hỏi đến tình hình anh em trong đồn, đồng chí ở đồn Mang Cá bỗng trầm xuống, ngậm ngùi nói: - Anh có nhớ chú bé Lượm liên lạc không? Cháu bé mà anh rất thích ấy Cháu đã hi sinh rồi! 12
  13. Tố Hữu sững người. - Hôm ấy, như mọi ngày, Lượm nhận công văn của đồn để chuyển đến vùng ngoại ô. Em tức tốc đi ngay. Không ngờ trên đường đi, em gặp ngay một ổ phục kích của quân địch. Em vội lánh chạy nhưng không kịp, giặc đã bắn theo tới tấp. Lượm hi sinh! Khi chúng tôi nhận được tin rồi cùng dân làng chạy ra thì thấy người em đã lạnh, chỉ riêng làn môi là vẫn còn mỉm cười. Một tay chú giữ chiếc ca nô, tay kia cầm chặt bông lúa sữa. Cách đó không xa, dưới lòng mương, những mảnh vụn của tờ điện khẩn đã nát vụn, ướt sũng. Đồng chí ấy vừa kể xong thì òa khóc. Nhà thơ Tố Hữu cũng nghẹn lời. Sau ngày hôm ấy, bài thơ "Lượm" ra đời và nhanh chóng lan truyền rộng rãi trong các đội thiếu niên nhi đồng. Bài thơ như nhắc nhở chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với những anh hùng thiếu niên. Các anh ấy tuy nhỏ tuổi nhưng là những con người dũng cảm, dám hi sinh mình cho tổ quốc. Và nếu không có chiến tranh thì các anh các chị cũng hạnh phúc như chúng ta bây giờ. Miêu tả chân dung một người bạn của em mẫu 1: Năm tháng cứ thế trôi đi, chỉ có thời gian là thước đo tốt nhất cho tình cảm bạn bè. Trong suốt thời gian đó, có lẽ Diệp Anh là người bạn mà em yêu mến nhất, người bạn đã học với em từ suốt năm học lớp ba. Dáng người Diệp Anh dong dỏng cao, khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn của bạn hễ ai nhìn đến cũng thấy đáng yêu. Nước da ngăm ngăm đen. Mái tóc dài óng ả. Cặp mắt đen láy lúc nào cũng mở to, tròn xoe như hai hòn bi ve. Chiếc mũi hếch và cái miệng rộng luôn tươi cười để lộ hai hàm răng trắng bóng. Ở Diệp Anh khi nào cũng toát lên vẻ năng động, tự tin, hóm hỉnh và hài hước nên rất dễ mến. Diệp Anh rất hiếu động, không lúc nào yên nghỉ chân tay. Trong giờ ra chơi, chỗ nào sôi động nhất là ở đó có Diệp Anh. Chúng em thường tụ tập nhóm ba, nhóm bảy ngồi xung quanh bạn Diệp Anh để nghe bạn kể chuyện. Mở đầu câu chuyện, Diệp Anh vẫn thường hay kể: "Cái hồi xưa ấy, đấy, cái hồi ấy, cái hồi mà bà tớ chưa sinh ra mẹ tớ ấy ". Chỉ nghe có đến thế thôi là chúng em đã thấy buồn cười đến nỗi không thể nhịn được rồi mà cái mặt Diệp Anh vẫn cứ tỉnh như bơ. Đặc biệt, Diệp Anh có một trí nhớ rất tốt. Những câu chuyện đã đọc hay đã nghe, Diệp Anh đều nhớ như in và kể lại bằng đúng giọng nhân vật nên rất cuốn hút và sinh động. Một mình Diệp Anh đóng đủ các vai, kết hợp với điệu bộ khôi hài khiến bọn em lăn lóc cười đến vỡ bụng. Anh.Diệp Anh luôn luôn làm ra những trò chơi thú vị. Bạn thường hay chơi cùng với chúng em trò bịt mắt bắt dê hay bó khăn. Vừa chạy lại vừa kêu tiếng dê be be nghe rất ngộ nghĩnh. Diệp Anh thường biểu diễn tiếng hát, tiếng ngựa hí và con sóc nâu hay leo trèo. Mỗi tiết mục, Diệp Anh đều được hoan nghênh nhiệt liệt và gây ra những trận cười nứt nẻ. Không chỉ là các bạn gái mà cả các bạn trai ngoài và trong lớp đều yêu mến bạn Diệp Anh. Nhưng thật không may, hai tuần trước đây, một tai nạn giao thông đã cướp đi tính mạng của người bạn mà chúng em yêu quý. Dù biết bạn đã khuất nhưng chúng em vẫn cứ coi như bạn vẫn sống và làm việc cùng chúng em, bây giờ bạn đang thi đỗ vào trường Amsterdam và đi du học rồi. Cô giáo vẫn gọi bạn đứng lên đọc bài và vẫn cứ lấy cơm, lấy gối cho bạn ăn học. Rồi mai đây phải xa mái trường thân yêu, em cũng sẽ mang theo nhiều kỷ niệm cùng với những yêu mến của cả lớp với bạn Diệp BÀI VĂN MẪU 2 MIÊU TẢ CHÂN DUNG BẠN Mỗi người chúng ta đều có cho mình một người bạn thân thiết. Bạn thân là người chia sẻ với ta mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống, đồng hành cùng ta trên từng chặng đường đời. Bạn thân cũng là chỗ dựa, niềm an ủi, động viên mỗi khi ta vấp ngã. Vì thế nên có mới người nói: “Bạn là người ta cảm thấy thoải mái khi ở cùng, ta sẵn lòng trung thành, đem lại cho ta lời chúc phúc và ta cảm thấy biết ơn vì có họ trong đời”. 13
  14. Tôi và Hoa trở thành bạn đã lâu. Nhà chúng tôi ở cạnh nhau, vì thế từ nhỏ bọn tôi đã thân với nhau như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau. Hoa có dáng người dong dỏng cao và khá gầy. Khuôn mặt bạn nhỏ nhắn, xinh xắn và đáng yêu. Trên gương mặt ấy, nổi bật là cặp mắt đen láy thể hiện sự thông minh, lanh lợi ẩn dưới đông mày cong cong như hình lá liễu. Tôi thích nhất là mỗi lần Hoa cười. Khóe miệng xinh xinh mỗi lần cong lên lại để lộ hàm răng trắng đều như bắp và hai má lúm đồng tiền trông rất duyên. Nước da trắng như trứng gà bóc của bạn là niềm ao ước của mọi bạn gái trong lớp. Mái tóc đen như gỗ mun dài đến thắt lưng, óng ả và mượt mà, thoang thoảng mùi hương của thảo mộc. Trong mắt em, Hoa là người khá sôi nổi và năng động. Hầu như hoạt động nào ở lớp, bạn cũng tham gia và cống hiến hết sức mình. Dường như bạn có một nguồn năng lượng vô tận không bao giờ cạn kiệt. Chỗ nào có Hoa là chỗ đó sôi nổi nhất. Giờ ra chơi, bọn tôi lại tụm năm tụm ba để nghe Hoa kể chuyện. Những câu chuyện thú vị và giọng kể hài hước của bạn làm cho chúng tôi cười không dứt. Không chỉ hăng hái trong các hoạt động, Hoa còn rất tích cực trong học tập. Bạn đặc biệt thông minh về môn toán. Gặp những bài toán khó, Hoa vẫn thường chỉ dẫn cho chúng tôi đến nơi đến chốn. Cũng nhờ có Hoa kèm cặp mà tình hình học tập của tôi tiến bộ rất nhiều. Các bạn trong lớp ai cũng yêu quý Hoa vì sự hòa đồng và nhiệt tình của bạn. Đối với tôi, Hoa là người bạn thân đáng tin cậy. Những chuyện vui, chuyện buồn hay những khúc mắc trong lòng, tôi đều có thể chia sẻ với Hoa. Bạn sẽ lắng nghe tôi một cách chăm chú, tháo gỡ mọi lo lắng và muộn phiền. Nhờ những lời động viên, an ủi của bạn, tôi cảm thấy có thêm niềm tin và động lực để vượt qua tất cả những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Tôi và Hoa cũng có khá nhiều điểm chung và sở thích giống nhau. Những ngày cuối tuần, sau khi làm xong bài tập, chúng tôi lại cùng nhau chăm sóc mảnh vườn nhỏ của riêng mình. Hoa tưới cây còn tôi bắt sâu bọ. Bằng tình yêu thương và sự chăm sóc của cả hai, mảnh vườn ấy chẳng mấy chốc trở nên tươi tốt, sặc sỡ màu sắc của vô vàn loài hoa: sắc đỏ của hoa hồng kiều diễm, sắc tím nhạt của những bông hoa lưu ly be bé, màu trắng tinh khôi của đóa cúc họa mi Hoa rất yêu trẻ con và mong ước sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo. Tôi tin rằng bạn sẽ đạt được mơ ước của mình: là một người giáo viên tận tụy đứng trên bục giảng và truyền đạt kiến thức cho học sinh. Là trò giỏi trên lớp, về nhà, bạn lại là một người con ngoan. Hoa thường chăm sóc các em mỗi khi bố mẹ vắng nhà. Sau giờ học, bạn tranh thủ phụ giúp bố mẹ những công việc lặt vặt. Vì thế, tôi thấy Hoa phần nào có vẻ già dặn hơn so với tuổi. Dù sau này mỗi đứa có ở một phương trời, tôi hy vọng chúng tôi sẽ mãi mãi thân thiết như bây giờ. Hình bóng của Hoa sẽ luôn khắc sâu trong trái tim tôi, là một phần của những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời. _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ 14