Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD và ĐT huyện Bình Xuyên (Có đáp án)

doc 6 trang thaodu 4874
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD và ĐT huyện Bình Xuyên (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_8_nam_ho.doc

Nội dung text: Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD và ĐT huyện Bình Xuyên (Có đáp án)

  1. UBND HUYỆN BÌNH XUYÊN ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN, LỚP 8 ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài: 150 phút ( không kể thời gian giao đề) Câu 1. (2,0 điểm): Trình bày cảm nhận của em bằng một đoạn văn ngắn về khổ thơ sau: “ Ông đồ vẫn ngồi đấy, Qua đường không ai hay, Lá vàng rơi trên giấy; Ngoài giời mưa bụi bay.” (“Ông đồ”, Vũ Đình Liên- Sách giáo khoa Ngữ văn 8-Tập II) Câu 2. (3,0 điểm): Trong trường học, không có học sinh dốt, nhưng không phải ai cũng nhận ra mục tiêu đến lớp của mình. Ranh giới giữa các mức điểm đánh giá phải chăng ở sự nỗ lực trong não bộ mỗi người? Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên. Câu 3. (5,0 điểm): Có ý kiến cho rằng: Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: Tình yêu thương con người. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua truyện ngắn “ Lão Hạc” của Nam Cao - Sách giáo khoa Ngữ văn 8 - Tập I, hãy làm sáng tỏ. HẾT (Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm) Họ và tên thí sinh: . ; Số báo danh
  2. UBND HUYỆN BÌNH XUYÊN HƯỚNG DẪN CHẤM PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 8 CẤP HUYỆN NĂM HỌC 2015-2016 MÔN: NGỮ VĂN Câu 1 (2,0 điểm) 1. Yêu cầu - Về kỹ năng: Học sinh biết viết một đoạn văn ( có mở đoạn, thân đoạn kết đoạn), lập luận chặt chẽ, lời văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu. Học sinh phát hiện được các tín hiệu nghệ thuật, cảm nhận được tình cảm của tác giả gửi gắm qua đoạn thơ. - Về kiến thức: Cần thể hiện được các ý sau + Đoạn thơ trên trích trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên miêu tả hình ảnh ông đồ thời suy tàn. + Bằng biện pháp nghệ thuật miêu tả, tác giả đã thể hiện niềm cảm thương trước hình ảnh ông đồ lạc lõng, trơ trọi “ vẫn ngồi đấy ” như bất động, lẻ loi và cô đơn khi người qua đường thờ ơ vô tình không ai nhận thấy hoặc đoái hoài tới sự tồn tại của ông. + Bằng thủ pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nhà thơ đã cực tả nỗi buồn của con người thấm sâu vào cảnh vật. Hình ảnh “ lá vàng, mưa bụi ” giàu giá trị tạo hình vẽ nên một bức tranh xuân lặng lẽ, âm thầm, tàn tạ với gam màu nhạt nhòa, xám xịt. + Khổ thơ cực tả cảnh thê lương của nghề viết và sự ám ảnh ngày tàn của nền nho học đồng thời thể hiện sự đồng cảm xót thương của nhà thơ trước số phận những nhà nho và một nền văn hóa bị lãng quên. 2. Thang điểm - Điểm 2: Bài làm cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, phát hiện được tín hiệu nghệ thuật, cảm nhận tinh tế, văn viết trong sáng, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt. - Điểm 1: Bài làm phát hiện được tín hiệu nghệ thuật, cảm nhận còn chung chung, văn viết còn mắc lỗi diễn đạt. - Điểm 0: không viết gì hoặc không hiểu gì về đề; sai lệch về hình thức hoặc nội dung. Các mức điểm khác, giám khảo căn cứ vào yêu cầu và bài làm thực tế của học sinh cho điểm phù hợp; khuyến khích điểm đối với những bài có phát hiện; khả năng diễn đạt tốt. Câu 2. (3,0 điểm) 1. Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 2. Yêu cầu cụ thể và cách cho điểm: 2.1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. - Đạt 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn
  3. văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. - Đạt 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. - Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 2.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: - Đạt 0,5 điểm: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với việc học tập và rèn luyện của học sinh hiện nay: Yếu tố quan trọng, quyết định phân biệt bạn dốt hay khá giỏi hơn người phụ thuộc vào nỗ lực, ý chí quyết tâm của mỗi người. - Đạt 0,25 điểm: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung. - Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 2.3. Từ vấn đề cần nghị luận, tổ chức thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng lấy từ thực tiễn học đường, tiêu biểu, toàn diện. - Đạt 1,0 điểm: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau: + Giải thích: Học sinh giải thích theo gợi ý cơ bản sau (Không có ai dốt, ai ngu là gì? Học có hay không có mục đích động cơ là gì? Sự nỗ lực của trí óc là gì? Câu nói khẳng định chất lượng, năng lực hiểu biết phụ thuộc và tỷ lệ thuận với nỗ lực quyết tâm bền bỉ của người học.) + Phân tích, bình luận về ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối). Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục. + Bàn luận và mở rộng vấn đề: Học sinh có thể mở rộng sự bàn luận ra các hướng khác nhau, gợi ý tham khảo ( Không có người học ngu dốt, chỉ có người không học, không quan tâm, không hiểu mục đích hoặc thờ ơ, hoặc buông xuôi, nản lòng bỏ cuộc. Nhiều người học bình thường, chăm chỉ và nỗ lực đã đạt kết quả khá tốt. Mỗi người đều có thể tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa bằng những cách khác nhau. Làm tốt việc học và tu dưỡng thầm lặng của mình, cố gắng vượt qua thử thách, góp phần làm cho việc học dễ dàng và tốt đẹp hơn Dù bạn là ai, dù ở vị trí xuất phát nào dù hoàn cảnh và thực tế năm trước học tập thế nào, chúng ta rất cần tự tin, tự chủ, tự giác và nỗ lực liên tục và điều chỉnh mục đích động cơ học tập và tu dưỡng. Chúng ta có thể là những con người chưa được nhiều giấy khen nhưng việc học để không vô ích, không vô nghĩa ) + Bài học về nhận thức và hành động (phải làm gì): (Cần luôn luôn cố gắng và nỗ lực bền bỉ để mỗi ngày học tập có ý nghĩa hơn, luôn gắn với tiến bộ và trưởng thành toàn diện cả về tri thức và kỹ năng. Chúng ta có thể làm nên những việc lớn và cũng có thể tạo nên ý nghĩa cuộc đời của mình từ những điều bé nhỏ, ở bất cứ nơi đâu trong môi trường học tập.) - Đạt 0,75 điểm: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, có thể một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  4. - Đạt 0,5 điểm: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. - Đạt 0,25 điểm: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. - Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 2.4. Sáng tạo - Đạt 0,5 điểm: Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm, ); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng phù hợp thực tế nhiều người nghĩ đến. - Đạt 0,25 điểm: Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo thể hiện suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. - Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và mới lạ; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 2.5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: - Đạt 0,5 điểm: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Đạt 0,25 điểm: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Câu 3. (5,0 điểm) I. Yêu cầu chung 1. Về kĩ năng: - Biết cách làm bài nghị luận văn học về một ý kiến. - Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng. Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. - Văn viết trong sáng mạch lạc, có cảm xúc, sáng tạo; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 2. Về kiến thức. Đề bài yêu cầu làm rõ 2 nội dung: - Hiểu đúng ý kiến: nhà văn chân chính suốt đời chỉ viết vì con người ( nghệ thuật vị nhân sinh), ca tụng tình yêu thương con người. - Phân tích tình yêu thương, đồng cảm với những bất hạnh của người nông dân ( giá trị nhân đạo) trong truyện ngắn “ Lão Hạc”. II. Yêu cầu cụ thể và cách cho điểm: 1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và tác phẩm liên quan đến vấn đề nghi luận: Nhà văn chân chính suốt đời chỉ viết vì con người, ca tụng tình yêu thương con người, “nghệ thuật vị nhân sinh”; truyện ngắn “ Lão Hạc” của Nam Cao (0,25 điểm). 2. Thân bài 2.1. Nhận thức vấn đề nghị luận ( giải thích): ( Nhà văn chân chính là gì? Thế nào là tình yêu thương con người trong tác phẩm văn hoc?) - Nhà văn chân chính: Nhà văn chân chính là luôn day dứt, trăn trở trước cuộc sống và con người. Tác phẩm của họ dù viết theo đề tài nào cũng vẫn để bày tỏ “lòng thương và tình bác ái, để người gần người hơn”. Tác phẩm văn học chân chính là sản phẩm của nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. ( 0,25 điểm) - Tình yêu thương con người trong tác phẩm văn hoc: Nhà văn bày tỏ sự đồng cảm với những bất hạnh, phát hiện những giá trị tốt đẹp của con người; đồng thời lên án
  5. phê phán các thế lưc chà đạp lên quyền sống của con người, thể hiện ước mơ khát vọng về một xã hội công bằng, tốt đẹp. ( 0,25 điểm) Hoặc học sinh có thể diễn đạt theo hướng (Sứ mệnh cao cả của nhà văn là khám phá cái đẹp của cuộc sống và chuyển tải đến người đọc thông qua tác phẩm văn học. Con người với tất cả niềm vui hạnh phúc, khát khao và nỗi buồn đau luôn trở thành nguồn cảm hứng dồi dào của văn học và là mối quan tâm hàng đầu của nhà văn. Nhà văn chân chính luôn day dứt, trăn trở trước cuộc sống và con người. Tác phẩm của họ dù viết theo đề tài nào cũng vẫn để bày tỏ “lòng thương và tình bác ái, để người gần người hơn”. Tác phẩm văn học chân chính là sản phẩm của nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. Qua những cảnh ngộ, nhà văn muốn người đọc cùng chia sẻ và đồng cảm, bênh vực và ca tụng con người, ca ngợi tình người. Những tác phẩm như thế sẽ trường tồn và đươc độc giả yêu thích.) - Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, với tình yêu thương và đồng cảm, các nhà văn đã bày tỏ khá thành công nội dung nhân đạo dành cho người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Nam Cao là một trong những nhà văn như thế, ông đã dựng nên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam và hình ảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Với truyện ngắn “ Lão Hạc”, Nam Cao không chỉ miêu tả xúc động cảnh cùng khổ và số phận bi đát của người nông dân mà quan trọng hơn, ông đã nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao thượng của họ; mang đến cho người đọc niềm tin sâu sắc vào con người, cụ thể là người nông dân. (0,5 điểm) 2.2. Phân tích biểu hiện của tình yêu thương trong truyện “ Lão Hạc”: - Giới thiệu về tác phẩm: Truyện ngắn “ Lão Hạc” là một bức tranh thu nhỏ về đời sống người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Nam Cao không phản ánh trực diện cách bóc lột, đàn áp của bọ thực dân phong kiến, bọn cường hào lý trưởng mà chỉ miêu tả quá trình người nông dân bị bần cùng hóa đến chỗ phá sản. Cái kiếp của người dân lương thiện không hơn gì kiếp của con chó. (0,5 điểm) - Nhân vật lão Hạc + Hoàn cảnh đáng thương: vợ mất sớm, một mình nuôi con; vì không có tiền lấy vợ, đứa con trai duy nhất của lão phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su; ở nhà, lão ốm hai tháng mười tám ngày, sức khỏe giảm sút, bão lại tàn phá mùa màng, giá gạo cao lão phải sống bằng khoai chuối đứt ruột bán cậu vàng dành tiền cho con, phải ăn bả chó để chết (0,5 điểm) + Phẩm chất của Lão Hạc: Là người nông dân đôn hậu, thật thà lương thiện giàu lòng tự trọng, yêu thương con tha thiết ( dẫn chứng) (0,5 điểm) Qua nghệ thuật kể chuyện, miêu tả đặc sắc ( tả người, tâm lý, tâm trạng); Nam Cao đã cho người đọc thấy cuộc đời bất hạnh của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Lão Hạc muốn sống bình dị, trong sạch mà cuộc đời không cho lão sống. Quá bế tắc, lão đã phải tự tử bằng “ cái chết của chó” để bảo toàn danh dự, giữ tài sản cho con. Cuộc đời lão Hạc là những bất hạnh, đau khổ; nhưng càng trong đau khổ, lão Hạc càng đẹp lạ thường. Nam Cao rất thành công khi xây dựng được nhân vật lão Hạc – nhân vật điển hình về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám với số phận bất hạnh mà sáng ngời nhân cách. (0,5 điểm)
  6. - Nhân vật ông giáo là một trí thức nghèo với những mơ ước đẹp đẽ và cao vọng; nhưng cũng lâm vào cảnh nghèo túng phải bán đi cả những cuốn sách quý. Bằng tình yêu thương, tầm lòng nhân hậu, ông giáo đã sống gần gũi, có những chia sẻ và đồng cảm với những bất hạnh của lão Hạc, luôn bên lão an ủi, giúp đỡ lão và có cái nhìn đúng đắn về người nghèo khổ. (0,5 điểm) 2.3. Đánh giá chung: - Qua truyện ngắn “ Lão Hạc”, Nam Cao đã có một phát hiện mới mẻ về con người. Theo ông không có con người hoàn toàn thánh thiện, cũng như không có con người hoàn toàn xấu; con người là tổng hòa của nhiều mặt đối lập: vừa đẹp đẽ; vừa xấu xa; vừa cao thượng, vừa tầm thường; vừa vị tha, vừa ích kỉ; vừa đáng thương, vừa đáng giận; vừa đáng yêu, vừa đáng ghét. Cũng theo quan điểm của Nam Cao, trong những con người tưởng chừng như chỉ toàn là những thói xấu như gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi, nếu ta có sự cảm thông, chia sẻ ta vẫn tìm thấy ở họ ánh sáng của lương tri, ý thức của nhân phẩm, một nét đẹp nào đấy của tâm hồn mà ta cần trân trọng. Triết lí này đã được Nam Cao khẳng định qua rất nhiều sáng tác của ông. Triết lí nhân sinh cao đẹp đó của Nam Cao được xuất phát từ lòng yêu thương và trân trọng con người. (0,5 điểm). - Ở truyện ngắn “Lão Hạc”, ta thấy có niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào phẩm chất tốt đẹp của con người; đồng thời còn là lời tố cáo xã hội vô nhân đạo. Rõ ràng Nam Cao không chỉ là “nhà văn hiện thực xuất sắc”, mà còn là “nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn”. “Cái gốc, nền tảng vững chắc của chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao là chủ nghĩa nhân đạo”, bởi hơn ai hết, ông ý thức được rất rõ giá trị chân chính của “một tác phẩm thật giá trị” là giá trị nhân đạo của nó. Nam Cao đã từng khẳng định: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình Nó làm cho người gần hơn”. Quả thực, Nam Cao đã làm được những gì ông quan niệm. Sống giữa xã hội bất công, nhà văn đã không bị chao đảo, nghiêng lệch, bởi ông đứng vững chắc trên nền tảng chủ nghĩa nhân đạo. Nam Cao là “nhà văn của những người khốn khổ, tủi nhục nhất trong xã hội thực dân - phong kiến”. (0,5 điểm). 3. Kết bài Khẳng định bày tỏ quan điểm đúng về ý kiến: Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: Tình yêu thương con người. (0,25 điểm). * Lưu ý chung: 1. Trên đây chỉ là những gợi ý có tính định hướng theo yêu cầu của đề bài; học sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song phải đảm bảo được các yêu cầu của từng phần, từng câu. Giám khảo cần tôn trọng những bài viết sáng tạo mà vẫn đảm bảo yêu cầu cơ bản của hướng dẫn chấm. 2. Điểm toàn bài là tổng điểm của hai câu và cho điểm lẻ tới 0,25. HẾT