Đề giao lưu học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 6 - Năm học 2017-2018 - Phòng giáo dục và đào tạo Tam Dương (Có đáp án)
Bạn đang xem tài liệu "Đề giao lưu học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 6 - Năm học 2017-2018 - Phòng giáo dục và đào tạo Tam Dương (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- de_giao_luu_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_6_nam_ho.doc
Nội dung text: Đề giao lưu học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 6 - Năm học 2017-2018 - Phòng giáo dục và đào tạo Tam Dương (Có đáp án)
- PHÒNG GD&ĐT TAM DƯƠNG ĐỀ GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN NĂM HỌC 2017-2018 ĐỀ CHÍNH THỨC MÔN: NGỮ VĂN 6 Đề thi này gồm 01 trang Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề) Câu 1. (8,0 điểm) Cảm nhận của em về bài thơ sau: MẸ Lặng rồi cả tiếng con ve Con ve cũng mệt vì hè nắng oi Nhà em vẫn tiếng ạ ời Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru Lời ru có gió mùa thu Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về Những ngôi sao thức ngoài kia Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con Đêm nay con ngủ giấc tròn Mẹ là ngọn gió của con suốt đời. (Trần Quốc Minh) Câu 2. (12,0 điểm) Chiến thắng được Thần Nước, Sơn Tinh hết sức tự hào, ngạo nghễ còn Thủy Tinh thì hậm hực nuôi chí báo thù. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Em hãy tưởng tượng và kể lại. HẾT Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm! Họ tên thí sinh SBD:
- PHÒNG GD&ĐT TAM DƯƠNG KÌ THI GIAO LƯU HSG LỚP 6 - NĂM HỌC 2017-2018 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 6 (HDC này gồm 03 trang) Câu 1: (8 điểm) a. Yêu cầu chung: Biết làm dạng bài cảm thụ văn học, diễn đạt trôi chảy, hành văn trong sáng, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu. b. Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải nêu được những ý cơ bản như sau: * Cảm nhận về nội dung: - Bài thơ đã xây dựng thành công hình ảnh người mẹ với tình yêu thương con vô bờ bến. Tình yêu ấy đã vượt lên trên tất cả thời tiết khắc nghiệt, đêm khuya vắng vẻ; vượt lên cả thời gian và không gian: + Giữa trưa hè oi ả, đến con ve cũng mệt, mẹ vẫn bền bỉ ru con. Tình yêu thương tha thiết ấy đã vượt lên trên cả thời tiết khắc nghiệt mùa hè. + Những đêm khuya vắng vẻ, mẹ vẫn ngồi quạt cho con ngủ. Làn gió mát từ tay mẹ giúp con ngủ say hơn. Mẹ đã thức bao đêm vì con. Sự hi sinh ấy không gì có thể sánh nổi. Những ngôi sao lấp lánh thức hàng đêm trên bầu trời ngoài kia cũng không bằng mẹ thức cả một đời lo lắng, thầm lặng hi sinh cho con. - Mẹ không chỉ quạt cho con ngủ bằng tay mà quạt bằng tình yêu thương, không chỉ ru con bằng lời mà ru con bằng tấm lòng yêu con của mẹ. Sức mạnh của tình yêu con dồn trong lời hát ru, đôi tay mẹ quạt trở thành ngọn gió thu mát mẻ xua đi cái nóng hè oi ả cho giấc ngủ của con mát lành, bình yên. - Hình ảnh khép lại bài thơ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời thật ấn tượng. Đó là ngọn gió mát lành làm dịu êm những vất vả trên đường đời, ngọn gió bền bỉ theo con suốt cuộc đời. Hình ảnh thơ giản dị nhưng giúp ta thấy được tình thương yêu lớn lao, sự hi sinh thầm lặng, bền bỉ suốt cuộc đời người mẹ đối với con. - Bài thơ ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. Đó chính là cội nguồn sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Bài thơ cũng là tình cảm yêu thương, kính trọng của mỗi người con đối với mẹ của mình. * Cảm nhận về nghệ thuật: - Thể thơ lục bát với âm điệu ngọt ngào như lời hát ru của người mẹ dành cho con. - Hình ảnh thơ giản dị nhưng giàu sức gợi. - Sử dụng thành công nhiều biện pháp tu từ: + Đảo ngữ: Lặng rồi cả tiếng con ve (đưa tính từ lặng lên đầu câu) nhằm nhấn mạnh cái khắc nghiệt của trưa hè, đến cả con ve cũng lặng tiếng rồi vì cái nóng quá oi ả.
- + Nhân hóa: Con ve cũng mệt vì hè nắng oi; Ngôi sao thức làm cho các sự vật trở nên có hồn, hình ảnh thơ thêm lung linh. + So sánh: Những ngôi sao thức ngoài kia/Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con; Mẹ là ngọn gió của con suốt đời. Phép so sánh không ngang bằng và ngang bằng đã diễn tả rõ nét tình yêu con tha thiết của mẹ; đồng thời khẳng định các phẩm chất thật cao quý của mẹ Các yếu tố nghệ thuật đã góp phần diễn tả thật thành công, sâu sắc nội dung bài thơ. Nằm trong chủ đề ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt nhưng bài thơ vẫn có nét riêng, trở thành lời hát ru bên nôi của biết bao bà mẹ yêu con trên khắp đất nước. * Lưu ý : HS có thể làm tách riêng nội dung, nghệ thuật ; có thể cảm nhận kết hợp nội dung – nghệ thuật; có thể phát hiện thêm hình ảnh ẩn dụ thì càng đáng trân trọng. c. Cho điểm: - Điểm 7,0 - 8,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; văn viết có cảm xúc; câu văn giàu hình ảnh. Cảm nhận được sâu sắc hình ảnh người mẹ và tình cảm của đứa con dành cho mẹ. Có thể còn một vài sai sót nhỏ. - Điểm 5,0 - 6,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; văn viết có cảm xúc; câu văn giàu hình ảnh. Chưa cảm nhận được sâu sắc hình ảnh người mẹ và tình cảm của đứa con dành cho mẹ. Có thể còn một vài sai sót. - Điểm 3,0 - 4,0: Đáp ứng được ½ các yêu cầu nêu trên ; văn viết có cảm xúc. Cảm nhận về hình ảnh người mẹ và tình cảm của đứa con dành cho mẹ còn chưa sâu. Có thể mắc một vài lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 1,0 - 2,0: Chưa hiểu yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi. - Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc về nội dung, phương pháp. Câu 2: (12 điểm) 2.1. Về kỹ năng: Bố cục hoàn chỉnh, diễn đạt trôi chảy, hành văn trong sáng, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu. 2.2. Về kiến thức: - Hiểu đúng đề: Câu chuyện về Sơn Tinh và Thủy Tinh nhiều năm sau. - Xác định được đây là kiểu bài kể chuyện tưởng tượng. Cơ sở định hướng cho sự tưởng tượng là một câu chuyện đã có, cụ thể đó là thái độ hết sức tự hào, ngạo nghễ của Thần núi Sơn Tinh; còn Thần nước Thủy Tinh thì hậm hực nuôi chí báo thù. Học sinh cần chú ý đến điều đó khi kể các sự việc. - Tạo được tình huống và biết dẫn dắt câu chuyện theo trình tự có mở đầu, phát triển, cao trào và kết thúc. - Nội dung câu chuyện có thể được xây dựng theo nhiều hướng khác nhau nhưng các sự việc phải đảm bảo tính hợp lý, chọn ngôi kể và thứ tự kể phù hợp. - Câu chuyện phải có ý nghĩa sâu sắc. Sau dây là gợi ý các sự việc chính: a. Mở bài:
- - Giới thiệu bối cảnh câu chuyện, giới thiệu nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh nhiều năm về sau. b. Thân bài: * Về phía Sơn Tinh: Sau nhiều lần chiến thắng, nhiều năm sau cũng không thấy Thủy Tinh động tĩnh gì nên Sơn Tinh sinh ra chủ quan, kiêu ngạo. - Sơn Tinh chỉ say sưa với chiến thắng huy hoàng trong quá khứ mà quên đi hiện tại. Lúc nào Sơn Tinh cũng có thái độ tự hào ngạo nghễ, coi thường Thủy Tinh, cho rằng Thủy Tinh quá sợ mình mà không dám cất quân nữa. - Việc quân lơi lỏng, quân đội không được rèn luyện thường xuyên nên ý thức kỉ luật cũng không nghiêm. - Hàng ngày, Sơn Tinh chỉ ham thích những thú vui tầm thường như chọi gà, đánh cờ - Không chịu khó rèn luyện, sức khỏe của Sơn Tinh đã giảm sút rất nhiều. Thân hình trở nên to béo, nặng nề, không còn linh hoạt như trước. * Còn về phía Thủy Tinh: Sau bao lần xuất quân nhưng đều bị thua, Thủy Tinh rất tức giận và hậm hực, âm thầm nuôi chí báo thù. - Thủy Tinh âm thầm củng cố lực lượng, chuẩn bị binh khí chờ cơ hội. Hàng ngày, quân đội của Thủy Tinh đều tích cực tập luyện. Lực lượng quân đội ngày càng đông, quân số và ý chí ngày càng tăng cao. - Thủy Tinh quyết tâm đánh thắng Sơn Tinh và giành lại Mị Nương. * Cuộc báo thù diễn ra: Thủy Tinh tấn công bất ngờ, sức mạnh như vũ bão; Sơn Tinh ở vào tình thế bị động, không thể chống đỡ nổi đành ngồi chờ chết. - Rồi điều bất ngờ xảy ra: Một viên tướng của Sơn Tinh đã dẫn quân đến ứng phó kịp thời, giải vây cho Sơn Tinh. (Trước kia, viên tướng này khuyên can Sơn Tinh nhiều lần nhưng Sơn Tinh không nghe và bị đuổi đi. Vào rừng sâu, viên tướng tập hợp quân lại và hàng ngày đều tập luyện ) - Sơn Tinh thoát chết nhưng bị tổn thất nặng nề. c. Kết bài: - Từ đó, Sơn Tinh đã rút ra bài học cho mình: không dám lơ là việc quân việc nước, luôn cảnh giác và chăm chỉ tập luyện hàng ngày. - HS có thể liên hệ và rút ra bài học cho bản thân và cho mọi người. 2.3. Vận dụng cho điểm: - Điểm 11 - 12: Hiểu đề sâu sắc. Đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp. Vận dụng tốt văn kể chuyện để kể lại câu chuyện theo trí tưởng tượng, có kết hợp với miêu tả. Trình bày và diễn đạt tốt, bố cục rõ, chữ viết đẹp, bài làm có cảm xúc và sáng tạo. - Điểm 8 - 10: Hiểu đề. Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của đề. Biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại câu chuyện theo trí tưởng tượng, có kết hợp với miêu tả. Trình bày và diễn đạt tương đối tốt, bố cục rõ, bài làm có cảm xúc nhưng còn đôi chỗ kể chưa sáng tạo Có thể mắc một số lỗi nhỏ về chính tả và ngữ pháp. - Điểm 5 - 6: Tỏ ra hiểu đề. Đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và phương pháp. Vận dụng văn kể chuyện tưởng tượng chưa tốt, có miêu tả các nhân vật và khung cảnh nhưng chưa rõ, nhiều chỗ còn lan man. Còn mắc lỗi về chính tả và ngữ pháp.
- - Điểm 2 - 3: Chưa hiểu yêu cầu của đề bài, chưa biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại một câu chuyện theo trí tưởng tượng, có nhiều đoạn lạc sang kể lể lan man, lủng củng - Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc về nội dung, phương pháp.