Đề thi thử vào Lớp 10 môn Ngữ văn - Đề số 3

doc 4 trang thaodu 4641
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử vào Lớp 10 môn Ngữ văn - Đề số 3", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_thu_vao_lop_10_mon_ngu_van_de_so_3.doc

Nội dung text: Đề thi thử vào Lớp 10 môn Ngữ văn - Đề số 3

  1. ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT Môn thi: VĂN Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề) I. ĐỀ BÀI Phần I: (7,0 điểm): Trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”, khi kể về cuộc chia tay của ông Sáu và bé Thu, Nguyễn Quang sáng viết: Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng trỗi dậy trong người nó, trong lúc khong ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên: - Ba a .a ba! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Câu 1: Nhan đề tác phẩm có cấu tạo thế nào? Nêu ý nghĩa của nhan đề tác phẩm. Câu 2: Chỉ rõ và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn trích trên. Câu 3: Câu văn “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người nghe thật xót xa”, sử dụng những biện pháp tu từ gì? Nêu giá trị của các phép tu từ đó đối với nội dung đoạn truyện? Câu 4: Bằng hiểu biết về hoàn cảnh và tình cảm của nhân vật bé Thu, em hãy giải thích ngắn gọn vì sao sau đó tác giả viết: “Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó”? Câu 5: Dựa vào đoạn trích “ Chiếc lược ngà” em hãy viết một đoạn văn diễn dịch (có độ dài khoảng 12 câu )trình bày cảm nhận về tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu. Trong đoạn có sử dụng câu phủ định và phép thế ( gạch chân chỉ rõ từ ngữ dùng làm phép thế và câu phủ định đó.) Phần I.(3 điểm) “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng Tin sương luống những rày trông mai chờ Bên trời góc bể bơ vơ Tấm son gột rửa bao giờ cho phai Xót người từ cửa hôm mai Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ? Sân Lai cách mấy nắng mưa Có khi gốc tử đã vừa người ôm.” (Trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”- “Truyện Kiều”- Nguyễn Du) Câu 1: Đoạn thơ trên đã diễn tả nỗi nhớ thương của Kiều với Kim Trọng và cha mẹ. Có ý kiến cho rằng : “Nếu Nguyễn Du miêu tả Kiều nhớ cha mẹ trước, nhớ người yêu sau thì phải đạo làm con hơn.” Em có đồng ý với ý kiến trên không?Vì sao? Câu 2. Từ đoạn trích trên và bằng những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về chữ “hiếu” của con cái đối với cha mẹ trong cuộc sống ngày nay. (Hết)
  2. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM Phần I: (7 đ) Câu 1: (1,5đ) - Cấu tạo: là một cụm danh từ nêu tên sự vật (0,5đ) * Ý nghĩa nhan đề "Chiếc lược ngà" (1đ) - “Chiếc lược ngà” là một nhan đề hay, thể hiện sâu sắc nội dung của tác phẩm. - Đó là hình tượng nghệ thuật chứa đựng tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng. - Chọn hình ảnh “Chiếc lược ngà” làm nhan đề cho tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã bộc lộ tài năng của mình trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm qua một hình ảnh nghệ thuật cô đúc, giàu ý nghĩa: + Với bé Thu, chiếc lược ngà là kỷ vật , là tình cảm yêu mến nhớ thương của người cha chiến sĩ. + Với ông Sáu, chiếc lược ngà là một vật quý giá, thiêng liêng bởi nó chứa đựng tình yêu, nỗi nhớ thương của ông đối với đứa con gái và làm dịu đi nỗi day dứt, ân hận vì đã đánh con khi nóng giân => Với nhan đề này, nhà văn không chỉ nói tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng mà còn gợi cho người đọc thấm thía những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình Câu 2 ( 0,25đ) - Kể cả anh – TP phụ chú Câu 3 (1, 25đ) - Câu văn sử dụng những biện pháp tu từ: (0,75đ) + Phép so sánh: “Tiếng kêu của nó như tiếng xé” + Phép điệp từ: “xé” + Phép nói quá: “xé cả ruột gan mọi người” - Gía trị của các biện pháp tu từ: (0,5đ ) -> Thể hiện tình cảm mãnh liệt của bé Thu – tình yêu và nỗi mong nhớ người cha xa cách bấy lâu nay bùng ra thật mạnh mẽ. Đồng thời còn bộc lộ được niềm xúc động của người kể chuyện và mọi người khi được chứng kiến cảnh chia tay đó. Câu 4 (1đ) Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, khi trở về thăm nhà, thăm con, bé Thu không nhận ông Sáu là cha vì trên mặt ông có vết thẹo, không giống người cha trong bức ảnh. Bé Thu đối xử với ông như người xa lạ, lảng tránh, lạnh nhạt, cự tuyệt trước tình cảm của ông Sáu dành cho mình. Nhưng sau đó, em nhận ra cha thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường, em cất tiếng gọi ba -> Tiếng gọi thể hiện sự ân hận, hối tiếc, tình yêu cha mãnh liệt. Câu 5: (3đ): * Về hình thức: (1đ) - Viết đúng số câu quy định (0,25đ). - Trình bày đoạn văn diễn dịch, câu chủ đề đứng ở đầu đoạn văn (0,25đ) - Sử dụng câu phủ định và phép thê (0,5đ) * Về nội dung: - Trình bày cảm nhận về tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu: a. Trong giây phút gặp lại con: - Xuồng chưa cập bến ông đã nhảy vội lên bờ.
  3. - Khi bé Thu không nhận cha, ông đau đớn như bị cắt đi một phần cơ thể Hai tay buông thõng như bị gẫy. b. Trong suốt 3 ngày phép: - Suốt ngày không đi đâu cả, chỉ ở nhà vỗ về con, tìm mọi cách chỉ để mong bé Thu cất tiếng gọi ba. - Khi bé Thu hất cái trứng cá, không giữ được bình tĩnh, ông Sáu đã vung tay đánh vào mông nó. Người đọc vẫn hiểu được rằng, đằng sau phút nóng giận ấy là trái tim tràn đầy tình yêu thương, là khao khát đến cháy lòng một cử chỉ, một câu nói yêu thương của đứa con. c. Tình yêu thương con của ông bộc lộ mãnh mẽ, sâu sắc nhất khi ở căn cứ: - Ông luôn ân hận, dày vò ví đã trót đánh con. - Khi tìm được khúc ngà để làm được chiếc lược theo lời hứa với con, ông vui mừng, hớn hở như một đứa trẻ được quà. - Ông thận trọng, tỉ mỉ, cố công như một người thợ bạc để cưa từng chiếc răng lược rồi gò lưng tấn mẩn khắc từng nét chữ: “ Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Ông đã kiên nhẫn làm công việc này bằng tất cả sức mạnh và sự cố gắng của tình phụ tử. - Chưa kịp trao cho con gái chiếc lược ngà thì người cha ấy đã hy sinh. Nhưng hình như chỉ có tình cha con là khoonmg thể chết được. Không đủ sức trăng trối điều gì, ông thu hết chút tàn lực cuối cùng để đưa vào túi móc cây lược đưa cho bác Ba, nhờ bác chuyển lại cho bé Thu. -> Có thể nói đó là điều trăng trối không lời, nó thiêng liêng hơn cả một di chúc bởi nó là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. PHẦN II (3đ) Câu 1: (1 đ) - Không đồng ý với ý kiến trên. - Trước hết, nàng đau đớn nhớ tới chàng Kim, điều này vừa phù hợp với quy luật tâm lý, vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du. - Kiều nhớ Kim Trọng trước rồi mới nhớ đến cha mẹ vì nàng cảm thấy mình có lỗi không giữ được lời hẹn ước với chàng Kim. Còn với cha mẹ dù sao Kiều cũng đã phần nào làm tròn chữ hiếu khi bán mình cứu cha và em. Câu 2 (2 đ) *Hình thức: (0,5đ) - Đoạn văn nghị luận xã hội, mạch lạc, không mắc lỗi diễn đạt. Khoảng 2/3 trang giấy thi * Nội dung: (1,5đ) Đoạn văn thể hiện được một số nội dung chính: - Ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng đã quên đi cảnh ngộ của mình để nghĩ những người thân. Điều đó chứng tỏ Kiều là người con gái có tấm lòng vị tha, hiếu thảo đáng trân trọng. - Suy nghĩ về chữ “hiếu” của con cái đối với cha mẹ trong cuộc sống ngày nay. - Giải thích thế nào là có “hiếu” với cha mẹ. - Biểu hiện của sự hiếu thảo với cha mẹ. ( Xưa-nay) - Người VN hiện đại vẫn rất đề cao chữ “hiếu”, tuy nhiên do hoàn cảnh XH thay đổi nên cách ứng xử của con cái đối với cha mẹ sao cho trọn hiếu cũng thay đổi.
  4. - Hiếu không chỉ là nhớ ơn chín chữ, không chỉ là quạt nồng ấp lạnh mà còn là cố gắng tu dưỡng rèn đức, luyện tài để trở thành con ngoan, thành người có ích cho XH, thỏa lòng mong ước và công lao dưỡng dục của cha mẹ. - Nêu ý nghĩa sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ. - Phê phán những hành động trái với đạo lí, chà đạp tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng. Những hành động đó đáng bị xã hội lên án. - Bài học nhận thức và hành động: Dù trong XH nào con cái cũng phải có hiếu với cha mẹ, đó là đạo lí tốt đẹp của người VN.